Ngày 22/8 và lời khẩn cầu của người Thượng VN tị nạn ở Thái Lan

Một nhóm người Thượng đang xin tị nạn ở Bang Yai, Nonthaburi, Thái Lan. Tháng 8/2019.

Một nhóm người Thượng đang xin tị nạn ở Bang Yai, Nonthaburi, Thái Lan. Tháng 8/2019.

Hàng trăm người Thượng từ các tỉnh Tây Nguyên của Việt Nam đang lánh nạn ở Thái Lan phải đối mặt với nhiều khó khăn, cuộc sống tạm bợ và có thể bị bắt, trục xuất về nước bất cứ lúc nào.

Từ quận Bang Yai, tỉnh Nonthaburi, các tín đồ Tin Lành người Thượng nói với VOA rằng số lượng người Thượng tị nạn ở Thái Lan đã tăng lên trong những năm gần đây do có thêm người đào thoát tìm cách lánh nạn từ những nguyên do mà theo họ là bị trấn áp tôn giáo, cưỡng chế đất đai, và bắt giữ tùy tiện.

Lưu vong khắc khổ

Ông Kpa Hùng, quê Gia Lai vừa được Cao ủy Tị nạn LHQ (UNHCR) cấp quy chế tị nạn, nói rằng cuộc sống chui rủi ở Bang Yai rất gian nan, thiếu thốn:

“Những người trong chúng tôi đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, tự do lập hội hiện đang ở Thái Lan gặp hoàn cảnh rất khó khăn.

“Chúng tôi chưa được đất nước nào tiếp nhận. Chúng tôi mong cộng đồng quốc tế và các tổ chức quốc tế quan tâm hơn đến người Thượng chúng tôi ở Thái Lan.

Người tị nạn Việt Nam ở quận Bang Yai.

Người tị nạn Việt Nam ở quận Bang Yai.

Ông Hùng kể lại những năm tháng bị giam cầm ở trong nước:

“Tôi ở tù cộng sản 3 lần kể từ năm 2001, đến năm 2004 thì họ lại bắt tôi và xử án 12 năm tù và 3 năm quản chế. Trước đây, tôi có sang Campuchia xin tị nạn trong thời gian 1 năm 7 tháng, nhưng bị chính phủ Campuchia làm khó.

“Tôi nhận được quy chế (tị nạn) cũng hơn một năm nay. Vợ con cũng mới sang đây được 5 tháng và chưa có quy chế.”

Đe dọa ở quê nhà

Báo Tiền Phong trích lời của các cán bộ an ninh thuộc Phòng An Ninh Xã hội miền Trung - Tây Nguyên cho biết Kpa Hùng là một trong các đối tượng cốt cán của FULRO, được coi là một tổ chức phản động, chuyên “kích động dân chống phá chính quyền và chủ mưu các cuộc bạo loạn.”

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) dẫn nguồn từ các báo trong nước cho biết: “Các chuyên án của công an tập trung bắt giữ ‘những đối tượng FULRO phản động’” ở các huyện Đắk Đoa và Chư Sê thuộc tỉnh Gia Lai, báo chí nhà nước đưa tin hơn 147 người đã bị bắt vào cuối năm 2004, trong đó có Kpă Hùng, một “kẻ cầm đầu” chủ chốt bị bắn bị thương trong khi bị truy bắt và đang thụ án 12 năm tù.”

Cũng với cáo buộc như vậy, ông Siu Thul đã bị tù 3 lần, trước khi lánh nạn sang Thái Lan vào tháng 12/2016 và cho đến tháng 11/2018 thì vợ con ông cũng tìm cách vượt biên và hiện cả gia đình ông đang ở quận Bang Yai.

Ông nói:

“Tôi chạy trốn qua đây vì nhà thờ của chúng tôi bị đóng cửa. Nhiều tín đồ đã bỏ làng chạy sang Thái Lan. Tôi qua đây vào năm 2016 vì chính quyền ép chúng tôi phải bỏ đạo vì họ cho rằng đạo của chúng tôi chống chính quyền, nhà nước.”

XEM THÊM: Hai nhà hoạt động tôn giáo Việt Nam gặp Tổng thống Trump

Ông Ksor Thiu, người Thượng theo đạo Tin Lành ở Gia Lai, cho VOA biết ông sang Thái Lan lánh nạn được hai năm và chưa xin được quy chế tị nạn.

Ông Thiu cho biết chỉ vì lên tiếng cho tự do tôn giáo mà ông bị chính quyền Việt Nam giam cầm 7 năm, và trong thời gian ở nhà tù Nam Hà ông bị ép phải lao động.

Ông cho biết thêm rằng từ khi ông chạy trốn Việt Nam từ năm 2015 cho đến nay, gia đình ông ở Gia Lai liên tục bị chính quyền đe dọa, gây áp lực buộc ông phải quay về nước:

“Hiện tại còn vợ con ở nhà, gặp nhiều khó khăn, công an luôn dò xét, chính quyền thì ép buộc. Họ ép gia đình ký tên để buộc tôi phải trở về Việt Nam. Họ đến tận nhà để ép buộc gia đình tôi ký tên nhưng gia đình không ký.”

Các tin đồ Tin Lành cho biết chính việc chính quyền Việt Nam đàn áp tôn giáo và tước đoạt đất đai khiến người Thượng phải ra đi.

Bà Grace Bùi, một người Mỹ gốc Việt, hiện đang làm tình nguyện viên giúp đỡ các gia đình người Thượng ở Thái Lan, nói với VOA trong một cuộc phỏng vấn trước đây:

“Khi tôi đến Thái Lan khoảng 4 năm về trước thì đã có người Thượng ở đó và không ai để ý đến họ. Tôi bắt đầu giúp họ về vấn đề tài chính, luật pháp, nhân quyền… Trong thời gian qua, tôi vẫn chưa thấy có một tổ chức chính thức nào vận động cho họ để họ có cơ hội đi đến một nước thứ ba.”

Hy vọng từ nước thứ ba

Hiện tại Thái Lan không là nước ký kết Công ước 1951 của Liên Hiệp Quốc liên quan đến tình trạng người tị nạn hoặc Nghị định thư 1967 liên quan đến tình trạng tị nạn.

Bà Caroline Gluck đại diện truyền thông của UNHCR tại Bangkok nói với VOA: "Việc tái định cư dưới sự bảo trợ của UNHCR cần phải có quá trình sàng lọc và chuyển người tị nạn từ một quốc gia mà họ đã tìm kiếm sự bảo vệ đến một quốc gia thứ ba, mà quốc gia này phải công nhận họ là người tị nạn có tư cách thường trú nhân.”

Đại diện của UNHCR nhấn mạnh rằng việc tái định cư không phải là một quyền và cũng không có đủ nơi tái định cư cho tất cả những người xin ti nạn.

Your browser doesn’t support HTML5

Việt-Thái tăng cường hợp tác an ninh, người tị nạn chính trị bất an

Ông Đoàn Huy Chương, một nhà hoạt động cho nhân quyền Việt Nam hiện đang có quy chế tị nạn ở Thái Lan, nói với VOA:

“Đối với chính phủ Thái Lan, mặc dù có văn phòng UNHCR đóng ở đâu, nhưng chính phủ Thái Lan chưa ký Công ước 1951 về việc công nhận người tị nạn, do đó, cho dù chúng tôi có quy chế tị nạn vẫn có thể bị bắt bất kể lúc nào.

“Mới hôm 20/8, họ mới vừa bắt ba người dân tộc Hmong đang tị nạn trên đất Thái Lan. Ba người này dù có quy chế nhưng cũng bị đưa vô trại IDC của Sở Di trú.

“Tình hình hiện nay rất khó khăn, gây lo lắng cho các anh chị em.”

Những người Thượng cho VOA biết rằng dù họ biết Thái Lan không công nhận người tị nạn, nhưng điều này không ngăn cản được họ tìm đường đến đây vì dù sao cuộc sống lưu vong như thế vẫn tốt hơn so với những áp bức ở quê nhà.

Ông Siu Thul tâm sự:

“Người Thái cũng là người tốt, nhưng chính phủ của họ không tiếp nhận chúng tôi; họ cho rằng chúng tôi là những người sang đây bất hợp pháp. Chúng tôi muốn đi làm cũng không được, cho đến nay vẫn chưa có tổ chức nào giúp đỡ chúng tôi.”

Vào tháng 8 năm ngoái, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi chính quyền Thái Lan trả tự do cho gần 200 người dân tộc thiểu số, hầu hết là người Thượng từ Việt Nam và người Campuchia đang xin tị nạn, bị cảnh sát Thái bắt giam đưa vào trại IDC.

Trong một thông cáo, ông Brad Adams, Giám đốc ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói:

“Những tuyên bố thường xuyên của Thái Lan về việc cải thiện quyền tị nạn chỉ là sáo rỗng khi quan chức bỏ tù hàng chục gia đình đang được bảo vệ bởi cơ quan tị nạn của LHQ. Những người Thượng này sẽ bị bức hại tàn bạo nếu họ bị trả về Campuchia và Việt Nam – điều mà Thái Lan không nên làm trong bất kỳ hoàn cảnh nào.”

XEM THÊM: Người gốc Việt kỷ niệm 40 năm ngày quốc tế giải cứu thuyền nhân

Ngày 28/5 vừa qua, nhờ sự vận động của Hoa Kỳ và một số quốc gia, Đại Hội Đồng LHQ đã chỉ định ngày 22/8 hàng năm làm Ngày Quốc tế dành cho các Nạn nhân bị Bạo hành vì Lý do Tôn giáo hay Niềm tin.

Các Tín hữu Cao Đài Thủ Thiêm kỷ niệm Ngày Quốc tế dành cho các Nạn nhân bị Bạo hành vì Lý do Tôn giáo hay Niềm tin. Photo Facebook BPSOS.

Một số cơ sở tôn giáo độc lập và một số giáo phận ở Việt Nam đã làm lễ cầu nguyện cho các nạn nhân bị sách hại vì lý do tôn giáo hôm 22/8, nhưng theo quan sát của VOA, một ngày có ý nghĩa như thế lại thiếu vắng những tiếng nói chính thức từ truyền thông nhà nước và Ban Tôn giáo chính phủ.

Dù có hay không có một quốc gia nào đó đón nhận người tị nạn, và dù có hay không có ngày 22/8 như LHQ đã ấn định, ông Kpa Hùng và các tín đồ Tin Lành lánh nạn cộng sản Việt Nam vẫn đều đặn đi lễ nhà thờ ở Nonthaburi để cầu nguyện cho một tương lai an lành.