Nga, Trung chuẩn bị bênh vực Iran tại Liên hiệp quốc trước đe dọa chế tài của Mỹ

Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao Nga ở Moscow ngày 17/1/2020.

Nga và Trung Quốc chuẩn bị đưa lập luận tại Liên hiệp quốc chống lại tuyên bố của Washington rằng Mỹ có thể tái áp dụng tất cả chế tài đối với Iran tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, với việc Moscow viện dẫn một luận điểm luật pháp quốc tế có từ 50 năm nay.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov và nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị, viết thư gửi 15 thành viên của Hội đồng và Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guiterres vào lúc Mỹ đe dọa khởi động trở lại những chế tài theo thỏa thuận hạt nhân Iran, dù Washington đã rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018.

Ông Lavrov, trong bức thư đề ngày 27/5 được công bố tuần này, viết rằng Hoa Kỳ “khôi hài và vô trách nhiệm”

“Việc này hoàn toàn không chấp nhận được và nó nhắc lại câu châm ngôn nổi tiếng của Anh về chuyện muốn được hưởng lợi đôi chiều,” ông Lavrov viết.

Washington đã đe dọa kích hoạt quay trở lại các chế tài của Liên hiệp quốc đối với Iran nếu Hội đồng Bảo an không gia hạn lệnh cấm vận vũ khí sẽ hết hạn vào tháng 10 theo thỏa thuận của Tehran với các cường quốc thế giới (JCPOA) để ngăn nước này chế tạo vũ khí hạt nhân.

Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Kelly Craft tuần trước nói dự thảo nghị quyết về lệnh cấm vận sẽ sớm được luân lưu.

Hai cường quốc có quyền phủ quyết trong Hội đồng là Nga và Trung Quốc đã ra chỉ dấu cho thấy chống lại việc tái áp đặt cấm vận vũ khí lên Iran.

“Hoa Kỳ, không còn là nước tham dự thảo thuận hạt nhân JCPOA, sau khi đã rời bỏ thỏa thuận này, nên không có quyền yêu cầu Hội đồng Bảo an trở lại các chế tài,” ông Vương viết trong thư ngày 7/6.

Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, được ghi trong nghị quyết của Liên hiệp quốc, cho phép trở lại những chế tài đối với Iran trong đó có lệnh cấm vận vũ khí, nếu Iran vi phạm những thỏa thuận. Tổng thống Donald Trump từ bỏ thỏa thuận vào năm 2018, dán nhãn hiệu cho thỏa thuận của thời Tổng thống Barack Obama là “thỏa thuận tệ hại nhất chưa từng có.”

Iran đã vi phạm một phần của thỏa thuận để đáp trả việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các chế tài.

Hoa Kỳ cho rằng có thể tái khởi động các chế tài vì nghị quyết Liên hiệp quốc năm 2015 vẫn còn nêu tên Mỹ như một nước tham gia thỏa thuận. Các nhà ngoại giao nói Washington chắc chắn sẽ đối mặt với một cuộc chiến khó khăn, lộn xộn.