Nga đang tìm cách để được bầu lại vào cơ quan nhân quyền hàng đầu của Liên Hiệp Quốc vào tuần tới. Sự kiện này được coi là một phép thử quan trọng đối với những nỗ lực của phương Tây nhằm vẫn cô lập Moscow về mặt ngoại giao sau khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022.
Trong bối cảnh ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy các bên "mệt mỏi" về cuộc chiến Ukraine, một số nhà ngoại giao nói rằng Nga có cơ hội khá cao được bầu trở lại vào Hội đồng Nhân quyền LHQ trong cuộc bỏ phiếu kín hôm thứ Ba 10/10, 18 tháng sau khi nước này bị đưa ra khỏi hội đồng do Mỹ đã đi đầu vận động việc khai trừ đó.
Một nhà ngoại giao cấp cao châu Á giấu tên nói với Reuters: “Tôi nghĩ đang có sự mệt mỏi về Ukraine. Và thứ hai, nhiều người không muốn các cơ quan của LHQ bị thống trị bởi tiếng nói của phương Tây, chưa kể đến thái độ hống hách”.
Những người chỉ trích Nga cho rằng việc nước này tái đắc cử trong khi cuộc chiến kéo dài gần 20 tháng ở Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt sẽ làm mất uy tín của Hội đồng Nhân quyền có trụ sở tại Geneva, đây là một trong những cơ quan hoạt động hiệu quả hơn các cơ quan khác của LHQ.
Nhưng Moscow đang tích cực vận động phiếu bầu của các quốc gia châu Phi, châu Á và các nước khác không thuộc phương Tây trong Đại hội đồng LHQ gồm 193 thành viên bằng cách công kích những điều của Hoa Kỳ và các đồng minh mà Nga xem là đạo đức giả và thành kiến bất công.
Nga sẽ cạnh tranh với Bulgaria và Albania để giành một trong hai ghế của khu vực Đông Âu. Để chiến thắng, mỗi ứng cử viên cần đạt được đa số phiếu - ít nhất 97 phiếu - mới được trao nhiệm kỳ 3 năm bắt đầu từ ngày 1/1.
Đại hội đồng đã nhiều lần lên án mạnh mẽ cuộc chiến của Nga ở Ukraine và Moscow đã phải vất vả mới giành chiến thắng trong một số cuộc bỏ phiếu ở Liên hợp quốc.
Đại hội đồng đã tập hợp được đa số 2/3 cần thiết để đình chỉ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền vào tháng 4 năm ngoái – khi họ mới làm được gần nửa nhiệm kỳ 3 năm và ngay sau khi Ukraine chiếm lại thị trấn Bucha và cáo buộc Moscow về những hành động tàn bạo quy mô lớn. Nga phủ nhận các cáo buộc.
Hội đồng không có quyền hạn ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng các cuộc họp của hội đồng sẽ thúc đẩy việc giám sát nhân quyền và có thể ra lệnh điều tra để lập hồ sơ về các hành vi xâm hại mà đôi khi tạo thành cơ sở cho việc truy tố tội ác chiến tranh.
Ngoại trưởng Anh James Cleverly mô tả nỗ lực tái tranh cử của Moscow là "lố bịch". Đại sứ Ukraine tại LHQ ở Geneva, Yevheniia Filipenko, gọi việc tranh cử của Nga là điều "không thể hiểu nổi và quá đỗi vô lý".
Mặc dù các quốc gia có hồ sơ nhân quyền đáng chất vấn đã từng được bầu vào hội đồng trong quá khứ, nhưng giới quan sát nói rằng chưa bao giờ trong lịch sử 17 năm của hội đồng lại có một quốc gia bị cáo buộc thậm tệ về những tội ác nghiêm trọng như Nga mà vẫn được trở thành một thành viên có quyền bỏ phiếu.