Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 23/2 ra nghị quyết kêu gọi ‘hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài’, và một lần nữa đòi Moscow rút quân và ngừng chiến.
Bắc Kinh đã bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết này – lần thứ tư - đối với một nghị quyết về Ukraine kể từ khi Nga mở cuộc xâm lược vào ngày 24/2 năm ngoái.
Với tràng pháo tay từ nghị trường, nghị quyết đã được thông qua với 141 phiếu ủng hộ và 32 phiếu trắng. Sáu nước khác cùng Nga bỏ phiếu chống, bao gồm Belarus, Bắc Triều Tiên, Eritrea, Mali, Nicaragua và Syria.
“Nghị quyết này là tín hiệu mạnh mẽ về sự ủng hộ toàn cầu trước sau như một cho Ukraine,” Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy viết trên Twitter sau cuộc bỏ phiếu.
Phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyanskiy bác bỏ nghị quyết này, cho là ‘vô dụng’. Ông viết trên Twitter: “Liệu nó có mang lại hòa bình không? Không! Nó sẽ cổ vũ những người hiếu chiến không? Có! Do đó, nó kéo dài thảm kịch Ukraine.”
Nga mô tả nghị quyết là ‘không cân bằng và chống Nga" và kêu gọi các nước bỏ phiếu chống nếu không có sửa đổi.
Nước đồng minh của Moscow là Belarus đã thất bại trong nỗ lực sửa đổi câu chữ nghị quyết trong đó đưa vào câu ‘ngăn chặn xung đột leo thang hơn nữa với việc cấp vũ khí sát thương cho các bên’.
Việc Trung Quốc bỏ phiếu trắng dường như phản ánh nỗ lực đi hai hàng về ngoại giao đối với cuộc chiến ở Ukraine. Bắc Kinh nói rằng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước phải được tôn trọng, nhưng – trong cử chỉ đồng thuận với sự bất an của Nga về NATO – Trung Quốc tin rằng tất cả những quan tâm về an ninh cần được giải quyết.
“Mặc dù chúng tôi ủng hộ sự tập trung của nghị quyết hiện tại vào các nguyên tắc của hiến chương và luật pháp quốc tế, nhưng nó chắc chắn không đưa chúng ta đến gần hơn với việc đặt nền móng cho hòa bình lâu dài và giúp chấm dứt tàn phá và hủy diệt,” Đại sứ Nam Phi tại Liên Hợp Quốc Mathu Joyini, nước đã bỏ phiếu trắng, phát biểu.
Brazil đã bỏ phiếu thuận, nhưng Đại sứ nước này Ronaldo Costa Filho cho biết ‘đã đến lúc mở ra không gian đối thoại và bắt đầu tái thiết’.
Việt Nam nằm trong số 32 nước bỏ phiếu trắng cho nghị quyết.