Nga siết nguồn năng lượng của châu Âu, lại dừng cung cấp khí đốt

Đường ống Nord Stream 1 ở Lubmin, Đức.

Hôm 31/8, Nga ngừng cung cấp khí đốt thông qua tuyến đường cung cấp chính của châu Âu, làm gia tăng cuộc chiến kinh tế giữa Moscow và Brussels, đồng thời làm tăng khả năng suy thoái và phải đặt ra định mức dè sẻn về năng lượng ở một số quốc gia giàu có nhất trong khu vực, theo Reuters.

Các chính phủ châu Âu lo ngại Moscow có thể kéo dài thời gian ngừng hoạt động để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt sau khi Nga xâm lược Ukraine, và châu Âu cáo buộc Nga sử dụng nguồn cung cấp năng lượng như một “vũ khí chiến tranh”. Moscow phủ nhận việc này và viện lý do kỹ thuật cho hành vi cắt giảm nguồn cung.

Tập đoàn năng lượng nhà nước khổng lồ của Nga Gazprom cho biết Nord Stream 1, đường ống dẫn khí đốt lớn nhất đến khách hàng hàng đầu của họ là Đức, sẽ được bảo trì từ 01h00 giờ GMT ngày 31/8 đến 01h00 giờ GMT ngày 3/9.

Chủ tịch của cơ quan quản lý mạng lưới năng lượng của Đức cho biết Đức hiện đã chuẩn bị tốt hơn cho tình trạng cúp điện vì kho khí đốt của họ đã được đổ đầy gần 85% và họ đang đảm bảo nguồn cung từ các nguồn khác.

“Chúng tôi có thể lấy khí đốt từ kho chứa vào mùa đông, chúng tôi đang tiết kiệm khí đốt (và cần tiếp tục làm như vậy!), các đường ống LNG sắp có, và nhờ Bỉ, Hà Lan, Na Uy (và sắp tới là Pháp), khí đốt sẽ vận hành”, ông Klaus Mueller viết trên Twitter.

Các hạn chế hơn nữa đối với nguồn cung cấp khí đốt của châu Âu sẽ làm gia tăng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng vốn đã khiến giá khí đốt bán buôn tăng 400% kể từ tháng 8 năm ngoái, khiến người tiêu dùng và doanh nghiệp lao đao và buộc các chính phủ phải chi hàng tỷ euro để giảm bớt gánh nặng.

Tại Đức, lạm phát tăng vọt lên mức cao nhất trong gần 50 năm vào tháng 8 và tâm lý người tiêu dùng trở nên tồi tệ khi các hộ gia đình phải chịu cảnh số tiền trong hóa đơn năng lượng tăng đột biến.

Không giống như đợt bảo trì 10 ngày vào tháng trước của đường ống Nord Stream 1, đợt mới nhất đã được thông báo trước chưa đầy hai tuần và đang do công ty Gazprom thực hiện chứ không phải nhà điều hành của đường ống này.

Moscow, cắt giảm nguồn cung qua đường ống xuống 40% công suất vào tháng 6 và 20% vào tháng 7, đổ lỗi cho các vấn đề bảo trì và các biện pháp trừng phạt mà nước này cho rằng đã ngăn cản việc hoạt động trở lại và lắp đặt thiết bị.

Hôm 31/8, Nga cho biết chính phủ Đức, chứ không phải Điện Kremlin, đang làm mọi cách để hủy hoại mối quan hệ năng lượng với Moscow.