Nga, Pháp chuẩn bị kế hoạch kiểm soát vũ khí hóa học của Syria

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho hay các giới chức đang chuẩn bị một kế hoạch 'cụ thể'

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho hay các giới chức đang chuẩn bị một kế hoạch 'cụ thể'

Thông tin về chất độc sarin

Tìm hiểu chất độc sarin:

- Chất độc thần kinh do con người chế tạo.
- Ðộc tính cao, chất lỏng không màu, không mùi, không vị.
- Người có thể bị phơi nhiễm qua tiếp xúc với da và mắt sau khi sarin được xả vào không khí.
- Triệu chứng phơi nhiễm hơi sarin xuất hiện chỉ trong vài giây.
- Phơi nhiễm sarin liều cao có thể gây ngất, co giật, liệt, suy hô hấp và có thể dẫn đến tử vong.
- Phơi nhiễm sarin liều thấp có thể gây chảy nước dãi, ho, thở gấp, đồng tử co hẹp.
- Những người phơi nhiễm nhẹ thường hồi phục hoàn toàn; có thuốc giải độc.

Nguồn: Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ CDC
Nga và Pháp đang chuẩn bị các kế hoạch riêng rẽ để đưa vũ khí hóa học của Syria vào vòng kiểm soát của quốc tế, sau khi khái niệm này nổi lên như một phương sách để giải quyết mối đe dọa về các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học trong cuộc nội chiến ở nước này và có khả năng tránh được các cuộc tấn công quân sự của Hoa Kỳ.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm thứ ba cho hay các giới chức đang chuẩn bị một kế hoạch “cụ thể” cùng với Syria, và trông đợi sẽ trình bày đề nghị với các quốc gia khác trong nay mai.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã gọi kế hoạch của Nga đặt kho vũ khí của Nga dưới sự kiểm soát quốc tế là một khai thông có thể thực hiện được, nhưng ông nhấn mạnh rằng kế hoạch đó không thể trở thành hiện thực nếu không có đe dọa hành động quân sự.

Tại Paris, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tuyên bố Pháp sẵn sàng đề nghị một nghị quyết với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc kêu gọi Syria tiết lộ chương trình vũ khí hạt nhân của họ và giao nộp cho cộng đồng quốc tế để phá hủy. Ông Fabius nói nghị quyết này sẽ bao gồm các hậu quả “nghiêm trọng” nếu Syria không tuân thủ.

Hội đồng Bảo an đã không đồng ý được về các biện pháp trước đây về việc trừng phạt Syria, vì Nga và Trung Quốc dùng quyền phủ quyết để ngăn chặn 3 nghị quyết trước chống lại chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.

Nội nhật hôm nay, thứ ba, ông Obama sẽ đến trụ sở Quốc hội để gặp gỡ các nhà lập pháp trong nỗ lực tranh thủ hậu thuẫn cho một dự luật cho phép Hoa Kỳ hành động quân sự chống lại Syria.

Tuy nhiên, trong một loạt các cuộc phỏng vấn hồi khuya hôm qua, thứ hai, ông Obama nhấn mạnh rằng ông “hết sức” tán thành đường lối ngoại giao để ngăn chặn Syria sử dụng vũ khí hóa học. Tổng thống Hoa Kỳ sẽ nhân một bài phát biểu truyền hình tối nay để thảo luận tình hình.

Ông Obama nói với đài PBS: “Tôi tin rằng tôi có thể trình bầy lý lẽ rất vững chắc với Quốc Hội cũng như dân chúng Mỹ về lý do vì sao chúng ta không thể để lại cho con cháu chúng ta một thế giới trong đó những đứa trẻ khác bị chết vì hơi ngạt. Và nếu chúng ta có thể tiến hành một biện pháp có giới hạn mà tạo được sự khác biệt đáng kể, thì điều đó có lợi cho chúng ta và xứng đáng để chúng ta phải làm. Và tôi vững tin vào điều đó.”

Ông Obama thừa nhận có thể sẽ không hội đủ được hậu thuẫn trong số các nhà lập pháp để thông qua một dự luật đã đề xuất cho phép Hoa Kỳ tiến hành các cuộc tấn công quân sự. Một nghị quyết của Thượng viện sẽ dành cho ông Obama tối đa là 90 ngày để tiến hành một cuộc tấn công, nhưng sẽ không chấp thuận việc sử dụng bộ binh.

Thượng viện dự trù mở một cuộc biểu quyết sơ bộ vào ngày mai, nhưng trưởng khối đa số Thượng viện, ông Harry Reid đã hoãn cuộc biểu quyết hồi tối qua để có thêm thời giờ cứu xét đề nghị mới của Nga.

Phản ứng về Kế hoạch của Nga

Ngoại trưởng Syria Walid al-Moallem ủng hộ kế hoạch của Nga đặt vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát quốc tế

Trong khi đó, Ngoại trưởng Syria Walid al-Moallem ủng hộ kế hoạch của Nga đặt vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát quốc tế, và nói rằng đó sẽ là một cách để ngăn tránh điều ông gọi là một cuộc tấn công của Hoa Kỳ. Một đồng minh khác của Syria là Iran hôm nay hoan nghênh ý kiến đó.

Ông Khalef Saleh, một phát ngôn viên của phe đối lập chính là Liên minh Dân tộc Syria, chỉ trích đề nghị này, và nói rằng có nhiều phần chắc ông Assad sẽ không tuân hành và sẽ dùng biện pháp đó để “có thêm thời gian giết hại thêm người Syria.”

Ông Saleh nói: “Chúng ta có một kẻ đã sử dụng vũ khí hóa học nhắm vào thường dân vô tội, và nay, bởi vì ông ta có thể sẵn sàng giao nộp vũ khí hóa học, mà sẽ không bị trừng phạt. 1400 người đã bị sát hại ở ngoại thành Damascus và nay chúng ta phải nói với những người đó rằng, mạng sống của quý vị chẳng đáng gì, bởi vì Bashar al-Assad đang tỏ dấu hiệu có thể đặt vũ khí hóa học trong vòng thanh sát cùa quốc tế.”

Thủ tướng Anh David Cameron lại hoan nghênh kế hoạch của Nga, nhưng cũng nói rằng thế giới cần phải đoan chắc là đây không phải là một “chiến thuật để đánh lạc hướng sự chú ý.”

Quốc Hội Anh đã bác bỏ khái niệm can thiệp quân sự.

Phụ tá cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, ông Tony Blinken cho hay Tòa Bạch Ốc sẽ “cứu xét kỹ” kế hoạch vừa kể.

Ông Blinken nói: “Nhưng điều rất quan trọng phải chú ý là rõ ràng đề nghị này được đưa ra trong bối cảnh Hoa Kỳ đe dọa có hành động quân sự và với sức ép mà tổng thống Hoa Kỳ đang áp đặt.

Một giới chức khác của Hoa Kỳ, Thứ trưởng Quốc phòng đặc trách về chính sách, ông James Miller, đã trình bầy lý lẽ cho một cuộc tấn công quân sự trong các cuộc hội đàm với các giới chức quốc phòng Trung Quốc hôm qua, và nói rằng một phản ứng mạnh cũng sẽ ngăn chặn Bắc Triều Tiên sử dụng vũ khí hóa học. Phát biểu hôm nay, ông Miller nói ông đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tôn trọng cái mức độ giới hạn mà quốc tế đã định cho vũ khí hóa học như một vấn đề an ninh toàn cầu.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm nay tuyên bố Trung Quốc hoan nghênh đề nghị của Nga.

Ông Hồng nói: “Chừng nào mà đó là một đề nghị góp phần cải thiện tình hình căng thẳng hiện nay ở Syria, có lợi cho việc duy trì ổn định và hòa bình ở Syria và khu vực và có lợi cho một giải pháp chính trị, thì cộng đồng quốc tế phải dành cho đề nghị đó một sự cứu xét tích cực.”

Các tổ chức nhân quyền lên án Syria về vụ tấn công hóa học

Cũng trong ngày hôm nay, tổ chức Human Rights Watch nói lực lượng Syria “gần như chắc chắn phải chịu trách nhiệm” về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 21 tháng 8 ở gần Damascus.

Tổ chức nhân quyền này nói trong một báo cáo mới rằng loại hỏa tiễn đã được sử dụng, các hình ảnh và video thu được từ các địa điểm tấn công, và các cuộc phỏng vấn nạn nhân và bác sĩ tất cả đều kết tội các lực lượng chính phủ.

Giám đốc đặc trách khẩn cấp của Human Rights Watch, ông Peter Bouckaert nói: “Bằng chứng này gợi ý vững vàng rằng quân đội chính phủ Syria đã phóng các hỏa tiễn mang đầu đạn hóa chất vào các khu ngoại thành Damascus vào buổi sáng khủng khiếp ấy.”

Syria đã cáo buộc phe nổi dậy là thực hiện các vụ tấn công, một lời cáo buộc mà tổ chức Human Rights Watch nói là thiếu sự khả tín và không ăn khớp với bằng chứng.