Nga: Ngày D không phải là yếu tố quyết định chấm dứt Thế Chiến II

Tổng thống Donald Trump bắt tay một cựu chiến binh Thế Chiến Thứ Hai nhân kỷ niệm 75 năm ngày D tại Portsmouth, Anh, ngày 5/6/2019.

Nga hôm 5/6 nói với phương Tây là việc đổ bộ lên Normandy vào Ngày D năm 1944 không đóng một vai trò quyết định chấm dứt Thế Chiến Thứ Hai và những nỗ lực chiến tranh của đồng minh không nên phô trương thái quá.

Bình luận của Nga có thể làm các cựu chiến binh tại Anh khó chịu.

Ngày 5/6, Anh tổ chức kỷ niệm 75 năm ngày đổ bộ bằng đường biển lớn nhất trong lịch sử thế giới với buổi lễ tại Portsmouth có sự tham dự của Nữ hoàng Anh Elizabeth và các nhà lãnh đạo thế giới trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Phát biểu tại một cuộc họp báo hàng tuần ở Moscow, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tưởng niệm những người đã bỏ mình ở mặt trận phía Tây Thế Chiến Thứ Hai và nói Moscow đánh giá cao nỗ lực chiến tranh của đồng minh.

“Lẽ dĩ nhiên là không nên phóng đại quá mức. Và đặc biệt là cùng một lúc hạ giảm những nỗ lực chiến tranh to lớn của Liên bang Xô Viết, mà nếu không có những nỗ lực này thì chiến thắng không thể xảy ra.”

Liên bang Xô viết mất hơn 25 triệu người trong cuộc chiến tranh được gọi là Chiến tranh Ái quốc Vĩ đại, và Moscow dưới sự lãnh đạo của ông Vladimir Putin đã đánh dấu ngày chiến thắng bằng một cuộc diễn hành quân sự quy mô hàng năm trên Quảng trường Đỏ.

Bà Zakharova nói với các phóng viên: “Như các sử gia ghi nhận, cuộc đổ bộ Normandy không có ảnh hưởng quyết định đối với kết quả Thế Chiến Thứ Hai và Cuộc chiến Ái quốc Vĩ đại. Chiến thắng này đã được quyết định trước như là kết quả của những thắng lợi của Hồng Quân, chính yếu là tại Stalingrad (cuối năm 1942) và Kursk (giữa năm 1943).”

Hơn 150.000 binh sĩ đồng minh mở cuộc tấn công trên không, trên biển và trên bộ vào Normandy ngày 6/6/1944, đưa đến việc giải phóng Tây Âu khỏi tay Đức Quốc Xã.

Moscow (chiến đấu chống lại các lực lượng Đức tại miền đông trong gần 3 năm lúc cuộc đổ bộ Ngày D xảy ra và dần đẩy lùi quân Đức từ đầu năm 1943) đã thúc giục Thủ tướng Winston Churchill của Anh mở một mặt trận thứ hai vào tháng 8 năm 1942.

“Đã có mong muốn đợi cho sức mạnh của quân đội Đức suy yếu đến mức tối đa vì những thiệt hại khổng lồ ở phía đông, trong khi giảm bớt thiệt hại ở phía tây,” bà Zakharova nói.