Ukraine mừng Lễ Độc lập, đánh dấu sự kiện mở màn cho sự tan rã của Liên bang Xô Viết và tiếp tục đả kích thái độ của Nga đối với Ukraine. Thông tín viên Daniel Schearf của đài VOA gởi về bài tường trình từ Moscow.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hôm thứ Hai nói rằng năm tới sẽ là năm đấu tranh chống lại những mưu toan của Nga nhằm phá hoại đất nước của ông.
Phát biểu tại Kiev nhân lễ độc lập của Ukraine, ông Poroshenko tố cáo Nga đưa thêm quân đội và vũ khí qua biên giới.
"Chúng tôi hiểu rõ rằng bất cứ một bước đi sai lầm nào cũng có thể dẫn đến thảm họa. Cuộc chiến đấu giành độc lập vẫn tiếp tục và thắng lợi chỉ có thể đạt được bằng sự kết hợp các nỗ lực quốc phòng, áp lực ngoại giao và trách nhiệm chính trị."
Điện Kremlin phủ nhận cáo buộc cho rằng họ hỗ trợ quân sự cho các phần tử nổi dậy thân Nga ở miền đông Ukraine, bất chấp các bằng chứng mỗi ngày một nhiều.
Ông Poroshenko nói rằng cuộc chiến tranh giành độc lập của Ukraine sẽ tiếp tục thêm vài mươi năm nữa.
Ông Dmitri Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie ở Moscow, nhận định:
"Đối với nhiều người Ukraine, những gì đang xảy ra là một cuộc nổi loạn được Nga hậu thuẫn. Và, trong ý nghĩa đó, ông Poroshenko đang chiến đấu để giành độc lập hoàn toàn từ Nga."
Ukraine tuyên bố độc lập ngày 24 tháng 8 năm 1991, và cuộc trưng cầu dân ý vài tháng sau đó đã mở màn cho sự tan vỡ của Liên bang Xô Viết.
Nhưng ông Trenin nói rằng mãi cho tới cuối thập niên 90 giới lãnh đạo ở Kremlin và người Nga mới chấp nhận ý niệm Ukraine là một nước độc lập.
"Cuộc trưng cầu dân ý hồi năm 1991 chủ yếu là để phá vỡ những ảo tưởng còn lại về việc duy trì một hình thức liên bang, một liên bang kết hợp chặt chẽ, của các nước cộng hòa Xô Viết cũ. Và cuộc trưng cầu đó chủ yếu nói với người Nga rằng từ giờ trở đi Nga sẽ phải đứng riêng."
Ông Trenin nói việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm ngoái là một kế hoạch đã được lập ra từ lâu, một khi Moscow cảm thấy ảnh hưởng đối với Ukraine của Nga bị mất về tay phương Tây.
Cuộc nổi dậy dẫn đến việc lật đổ tổng thống được Nga hậu thuẫn Viktor Yanukovych được điện Kremlin xem như giọt nước làm tràn ly.
Những người Nga theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan dùng cơ hội này để phát động phong trào khôi phục "Thế giới Nga" và "Nước Nga mới," là những khái niệm xúc phạm tới nền độc lập của Ukraine.
Nhưng ngay cả tại những khu vực nằm dưới sự kiểm soát của các phần tử nổi dậy được Nga hậu thuẫn, những nơi mà người dân mạnh mẽ chỉ trích chính phủ ở Kiev, phong trào đó phần lớn đã bị thui chột vì thiếu sự ủng hộ của dân chúng địa phương.
Những vụ đụng độ giữa các lực lượng chính phủ Ukraine và các phần tử nổi dậy được Nga hậu thuẫn đã làm hơn 6.500 người thiệt mạng kể từ khi chiến tranh nổ ra hồi tháng 4 năm 2014. Bất ổn ở miền đông Ukraine bắt đầu chỉ vài tuần lễ sau khi Nga chiếm bán đảo Crimea.
Các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, và Ukraine họp tại Berlin chiều thứ Hai để bàn về những nỗ lực nhằm giải quyết sự tăng mạnh của những vụ đụng độ trong thời gian gần đây.
Tổng thống Poroshenko nói rằng họ cần phải bảo đảm là các quan sát viên vủa Tổ chức An ninh và Hợp tác Âu châu, gọi tắt là OSCE, được tự do tiếp cận không hạn chế dọc theo biên giới Nga. Nga và các phần tử nổi dậy chỉ cho phép OSCE tiếp cận một phần khu vực nhỏ ở biên giới mà thôi.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh đến sự cần thiết phải hỗ trợ cho thỏa thuận ngừng bắn mong manh ký hồi tháng 2 ở Minsk.
"Chúng tôi đển đây để thực thi Hiệp ước Minsk, chứ không phải để nêu nghi vấn về thoả thuận này."
Cuộc họp theo trông đợi sẽ mở ra cơ hội cho cuộc đàm phán bốn bên, bao gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin.