Nếu TBT Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước công cuộc chống quốc nạn tham nhũng tại VN có sẽ thành công hay không?

Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

Theo tin trong nước, Quốc hội Việt Nam khóa 14 sẽ khai mạc kỳ họp đầu tiên vào ngày 20-7-2016. Nghị trình của kỳ họp này sẽ có việc bầu lại các chức vụ hàng đầu như Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Có ý kiến cho rằng, trong kỳ họp Quốc hội đầu tiên này, nếu Tổng Bí thư đảng CSVN được bầu làm Chủ tịch nước như ở Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cuba, thì “sẽ là giải pháp bảo đảm cho công cuộc chống quốc nạn tham nhũng do chính ông phát động đi đến thành công”.

Ý kiến trên dựa trên hai luận cứ: Một là “người cầm chịch chống tham nhũng cần phải ở cương vị lãnh đạo Nhà nước… mới có thể phát huy tối đa và hiệu quả vai trò Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trung ương của ông”. Hai là người cầm chịch chống tham nhũng phải là người không tham nhũng và thực sự chống tham nhũng “… thì với chức vụ đứng đầu Nhà nước Tổng Bí thư Đảng CSVN sẽ có đủ quyền lực cần thiết để diệt trừ quốc nạn này…”. Vì thực tế, vẫn theo ý kiến này, có dấu hiệu cho thấy, cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không tham nhũng.

Theo nhận định của chúng tôi, hai luận cứ trên sẽ không thể là giải pháp bảo đảm cho công cuộc chống quốc nạn tham nhũng do chính ông (Tổng Bí Thư) phát động đi đến thành công”; có chăng chỉ là một trong những điều kiện cần để công cuộc chống tham nhũng có hiệu quả nhất định, nhưng không thể thành công theo nghĩa diệt được tệ nạn tham nhũng đến mức độ tối thiểu nhân dân có thể chấp nhận được, chứ không thể tiêu diệt được hoàn toàn. Vì tham nhũng vỗn như căn bệnh mãn tính trong cơ cấu chính quyền của mọi chế độ chính trị; có khác chăng là mức độ căn bệnh tham nhũng năng nhẹ khác nhau. Thực tế cho thấy tệ nạn tham nhũng nặng nhất thường là trong cơ thể chế độ độc tài các kiểu, nhẹ nhất là trong các chế độ dân chủ pháp trị.Nghĩa là mức độ nặng nhẹ của căn bệnh tham nhũng ở mỗi nước tỷ lệ thuận với tính chất và mức độ các chế độ độc tài (càng độc tài, tham nhũng càng nhiều), nhưng tỷ lệ nghịch với các chế độ dân chủ pháp trị (càng dân chủ, tham nhũng càng ít).

Việt Nam là một chế độ công sản độc tài toàn trị kiểu Vì thế tham nhũng đã là một căn bệnh trầm kha phát nay đã trở thành quốc nạn. Tham nhũng có tính hệ thống từ các viên chức chính quyền địa phương đến trung ương, tràn lan khắp các cấp các ngành; nặng nhất là ngành hành pháp và tư pháp. Tham nhũng đã trở thành chất keo gắn chặt các nhóm lợi ích trong đảng cầm quyền và cũng là động lực thúc đẩy cán bộ đảng viên CS phải sống chết bảo vệ chế độ đến cùng.

Như thế, tham nhũng có thể tạm định nghĩa tổng quát như là hành động của các cán bộ, công nhân viên có chức, có quyền các cấp, các ngành trong guồng máy công quyền đã lợi dụng chức quyền nhũng nhiễu làm khó nhân dân để được thù đáp hay đục khoét công quỹ để làm giầu bất chính. Nhưng đây mới là tầng thứ nhất của hệ thống tham nhũng trực tiếp từ các viên chức tiếp cận với nhân dân hay tiếp cận với công quỹ, còn tầng thứ hai là các chức quyền tham nhũng gián tiếp qua tiền đút lót, ăn chia tiền bạc của tầng tham nhũng thứ nhất để được bao che.

Đứng trước một thực trạng tham nhũng có hệ thống tràn lan các cấp, các ngành như trên, chúng tôi cho rằng cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dù thực sự là người trong sạch, không tham nhũng và thực tâm muốn diệt tham nhũng và nay có kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước cũng không thể “là giải pháp bảo đảm cho công cuộc chống quốc nạn tham nhũng do chính ông phát động đi đến thành công”.Vì giải pháp “nhân trị” này (dựa vào đạo đức, uy tín, uy quyền một cá nhân) lại dựa vào cơ chế chính quyền đẻ ra tham nhũng (Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước…) sẽ không thể diệt tham nhũng thành công.

Giải pháp duy nhất có thể bảo đảm cho công cuộc chống quốc nạn tham nhũng hiện nay tại Việt Nam chỉ có thể và phải là giải pháp “pháp trị”. Giải pháp này chỉ có được trong khung cảnh “một chế độ dân chủ pháp trị”. Vì chỉ trong khung cảnh chế độ này quyền làm chủ của nhân dân mới được thực thi để phòng chống tham nhũng có hiệu quả. thực thi bằng hệ thống pháp luật dân chủ trong đó có quyền tự do ngôn luận, báo chí, qua đó nhân dân kiểm tra, giám sát, ngăn chặn kịp thời tệ tham nhũng từ trong trứng nước và trừng phạt nghiêm minh những công bộc của dân, ăn lương bằng tiền thuế của nhân dân mà phạm tội tham nhũng.

Vậy thì, muốn công cuộc chống quốc nạn tham nhũng ở Việt Nam thành công, không có giải pháp nào khác hơn là phải chuyển đổi càng sớm càng tốt “chế độ độc tài, độc đảng, toàn trị” qua “chế độ dân chủ, đa đảng, pháp trị”. Ngày nào chế độ đương quyền còn tồn tại ở Việt Nam, mọi chủ trương, chính sách chống, diệt tham nhũng chỉ là trò lừa mị nhân dân mà thôi.

* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.