Các kinh tế gia của Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng các yếu tố địa chính trị, như vụ xung đột ở Ukraine và cơn dịch bệnh Ebola ở Tây Phi, có nguy cơ gây phương hại đến nền kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu cải thiện vừa phải. Một bản phúc trình mới của Liên Hiệp Quốc, có tựa đề “Tình hình và Triển vọng Kinh tế Thế giới năm 2015” dự báo nền kinh tế toàn cầu năm nay sẽ tăng trưởng ở mức 3,1 phần trăm và 3,3 phần trăm trong năm 2016.
Nền kinh tế toàn cầu đang đi lên, nhưng bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng nhiều sự bất định có thể làm thay đổi chiều hướng tích cực này. Phúc trình nêu ra rằng nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng trong năm 2014 ở một mức độ trung bình và không đều.
Phúc trình nói tăng trưởng thương mại dự kiến sẽ tăng một cách vừa phải với tỷ lệ 4,7 phần trăm năm nay. Phúc trình nói đồng đôla Mỹ dự kiến sẽ vẫn là xu hướng ngự trị trên các thị trường ngoại hối.
Bản phúc trình nhận thấy sự phục hồi kinh tế trong năm ngoái khác nhau rất xa trong số các nước phát triển. Hoa Kỳ dẫn đầu sự phục hồi với mức tăng trưởng thường niên trên 2 phần trăm trong năm 2014, trong khi tình hình kinh tế ở châu Âu bất trắc, nhất là ở khu vực sử dụng đồng euro.
Bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc nói Nhật Bản đã có một năm xấu về mặt tăng trưởng bởi vì chương trình kích hoạt tài chính và hạ giá tiền tệ giảm bớt từ năm 2013.
Kinh tế gia Alfredo Calcagno của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển nói các chương trình tiết kiệm gây trở ngại cho việc phục hồi kinh tế, nhưng điều ông gọi là liều thuốc tiết kiệm tài chính đã là một thuận lợi đối với một số nền kinh tế:
“Có quá lạc quan khi nói rằng liều thuốc đó đã giảm bớt? Câu trả lời là ‘không’ với nghĩa là điều đó đang xảy ra rồi và ‘có’ trong ý nghĩa là chúng ta cần thêm, thêm kích hoạt tài chính thay vì bớt tiết kiệm tài chính. Và, đương nhiên, Hy Lạp là một thí dụ. Ta không thể ứng phó với một vụ khủng hoảng nợ nần mà không tăng trưởng.”
Trong số các nước phát triển, phúc trình nói động năng tăng trưởng nói chung của châu Phi sẽ tiếp tục, với mức tăng trưởng GDP dự kiến tăng 4,6 phần trăm trong năm 2014 và 4,9 phần trăm trong năm 2016.
Vì giá dầu hạ, ông Calcagno nói các nước sản xuất dầu ở Bắc Phi đạt thành tích không bằng các nước ở Đông Phi, như Ethiopia, Kenya và Uganda. Ông nói:
“Ở các nước này, điều ta có là đầu tư trong các lãnh vực khác như viễn thông, cơ sở hạ tầng. Ta có một tầng lớp trung lưu nổi lên cũng góp phần gia tăng mức cầu.”
Bản phúc trình nói Đông Á sẽ vẫn là khu vực tăng trưởng nhanh nhất, với tỷ lệ trên 6 phần trăm.
Giới chức kỳ cựu về kinh tế Âu châu thuộc Ủy ban Kinh tế Liên Hiệp Quốc, ông Jose Palacin nói châu Âu tiếp tục một sự phục hồi vừa phải, nhưng cảnh báo rằng tình hình căng thẳng ở Ukraine và những rủi ro khác có thể đưa châu Âu rơi trở lại vào một cuộc suy thoái:
“Tại Nga, đầu tư tuột dốc vì tổn phí tài trợ tăng cao và sự bất ổn có liên quan đến các biện pháp chế tài Tây phương. Tại Ukraine, GDP cũng co cụm đáng kể trong khi vụ xung đột ở vùng đông nam tác động đến sinh hoạt kinh tế trong các vùng công nghiệp Donetsk và Luhansk và làm giảm bớt đầu tư.”
Bản phúc trình nói triển vọng kinh tế ở các nước thuộc liên bang Xô viết cũ rất yếu kém với mức tăng trưởng gần số không dự kiến ở Nga.
Bản phúc trình nói các vụ khủng hoảng ở Iraq, Libya, và Syria đang gây trở ngại cho phát triển kinh tế và nhân sự, vẫn là các nguồn chính gây bất ổn trong khu vực.