Phe Taliban đã lên án quyết định của NATO gia hạn sứ mạng tại Afghanistan qua việc giữ 12.000 binh sĩ ở lại đó cho đến hết năm 2016 và tiếp tục viện trợ quân sự cho chính phủ ở Kabul cho đến hết năm 2020. Từ văn phòng Nam Á của đài VOA ở Islamabad, thông tín viên Ayaz Gul gửi về bài tường thuật.
Trong một thông cáo công bố hôm 2/12, phe nổi dậy Hồi giáo lập lại quyết tâm tiếp tục cuộc thánh chiến do Taliban cầm đầu chống lại điều họ gọi là “sự chiếm đóng” đất nước cho đến khi nào binh sĩ nước ngoài cuối cùng rời khỏi Afghanistan.
“Tiểu vương quốc Hồi giáo, tức Taliban, cực lực lên án quyết định của NATO tiếp tục cuộc chiến tranh ở Afghanistan. Nó sẽ cộng thêm vào những vấn đề mà người Afghanistan phải đối mặt và gây thêm bất ổn trong khu vực, làm lãng phí các cơ hội và làm mất uy tín chính NATO.” Đó là tuyên bố của phát ngôn viên Taliban Zabihullah Mujahid.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 1/12 nói rằng liên minh sẽ cam kết khoảng 12.000 binh sĩ trong khuôn khổ sứ mạng Hỗ trợ Quyết tâm của NATO tại Afghanistan. Ông đưa ra lời loan báo tại Brussels sau khi các ngoại trưởng NATO ủng hộ quyết định.
Ngoại trưởng Afghanistan Salahuddin Rabbani hoan nghênh việc gia hạn, và nói rằng nó sẽ giúp Afghanistan phát triển thành một quốc gia dân chủ, thịnh vượng và ổn định.
Ông Rabbani nói: “Bất kể những khó khăn mà chúng ta phải đối mặt, Afghanistan đã đạt được thành quả tốt hơn trông đợi. Khi chúng ta đi tới cuối năm quyết định chúng ta có thể nói một cách rất tự tin rằng kẻ thù chung của chúng ta đã bị đánh bại về mặt tâm lý.”
Ngoại trừ việc thành phố Kunduz miền bắc bị thất thủ chớp nhoáng hồi tháng 9, ông Rabbani nói lực lượng an ninh quốc gia Afghanistan đã bảo vệ phần còn lại của đất nước mà không cần đến sự hỗ trợ trực tiếp của quốc tế trong mùa chiến tranh này.
Để trừng phạt Taliban đã chứa chấp mạng lưới khủng bố trên lãnh thổ của họ, Hoa Kỳ và các đồng minh đã xâm chiếm Afghanistan vào năm 2001 sau các vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 do al-Qaeda chủ mưu.
NATO tiếp quản việc chỉ huy hoạt động chống khủng bố vào năm 2003 nhưng đã chấm dứt sứ mạng tác chiến hồi năm ngoái, để lại khoảng 13.000 binh sĩ tại Afghanistan để huấn luyện và cố vấn cho lực lượng an ninh địa phương.
Nhưng việc cắt giảm lực lượng nước ngoài đã làm cho phe nổi dậy Taliban trở nên táo bạo hơn, và gây ra thương vong nặng nề cho lực lượng Afghanistan và chiếm được nhiều phần đất ở các vùng hẻo lánh.
Việc phe nổi dậy tiến chiếm đã khiến Hoa Kỳ kéo chậm đà rút quân vào giữa tháng 10.
Ngoại trưởng Rabbani nói Kabul sẵn sàng mở các cuộc hòa đàm với các thành viên Taliban muốn thương nghị, thừa nhận hiến pháp Afghanistan và từ bỏ các liên hệ với các tổ chức khủng bố.
Ông đặc biệt nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có cam kết và hỗ trợ “thành thực” của nước láng giềng Pakistan để tiến trình hòa bình đạt được thành quả.
Ông Rabbani cho biết: “Cuộc họp mới đây diễn ra ở Paris giữa các nhà lãnh đạo của hai nước, chúng tôi hy vọng nhờ cuộc họp này, và hội nghị sắp tới vào ngày 9 tháng này ở Islamabad, sẽ là một cơ hội để thảo luận việc ấy … Không có sự hỗ trợ của Pakistan, thì chúng tôi sẽ khó mà đạt được tiến bộ trong tiến trình hòa bình và hòa giải.”
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã mở các cuộc đàm phán với Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif hồi đầu tuần này bên lề hội nghị thượng đỉnh của LHQ về khí hậu ở Paris, khai thông tình trạng bế tắc đã kéo dài nhiều tháng trong quan hệ song phương.
Hai nhà lãnh đạo đã đồng ý nối lại các nỗ lực mưu tìm một giải pháp thương nghị cho cuộc chiến Afghanistan. Các nhà lãnh đạo ở Afghanistan cáo buộc rằng cuộc nổi dậy của Taliban được chỉ huy, trang bị và huấn luyện ở Pakistan. Islamabad đã bác bỏ những lời cáo buộc này.
Phát biểu trên đài truyền hình Pháp sau các cuộc hội đàm với ông Sharif, tổng thống Afghanistan nói ông đang cứu xét một lời mời tham dự hội nghị tuần tới ở Pakistan nơi các nước trong khu vực thảo luận những nỗ lực quảng bá ổn định kinh tế và chính trị ở Afghanistan.
Chưa rõ liệu ông Ghani có chính thức yêu cầu ông Sharif tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán với phe Taliban hay không. Khi được hỏi liêu ông có tin tưởng vào một tiến trình hòa bình khác do Islamabad điều giải hay không, Tổng thống Afghanistan nói: “Pakistan có thể là một nhà điều giải. Cần phải mưu cầu được sự tin tưởng.”