Đạn pháo rung chuyển đánh thức cậu bé Phạm Thành Công vào lúc 5 giờ 30 phút sáng. Ba người lính Mỹ xuất hiện tại nhà Công vài tiếng sau đó và bắt mẹ và năm chị em của Công chui vào hầm tránh pháo.
Một người lính châm lửa đốt căn nhà tranh của họ trong khi những người khác ném lựu đạn vào hầm. Được che chở bởi thi thể bị xé toạc của mẹ và bốn chị em ruột, Phạm Thành Công, 10 tuổi, là người sống sót duy nhất.
Đó là ngày 16 tháng 3 năm 1968, cách đây 50 năm. Các binh lính Mỹ thuộc Đại đội Charlie, được điều đi thực hiện điều mà họ được bảo là một nhiệm vụ để đương đầu với một toán Việt Cộng tinh nhuệ, không vấp phải sự kháng cự nào. Nhưng trong khoảng thời gian từ ba đến bốn tiếng họ đã giết chết 504 thường dân không vũ trang, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người già, tại thôn Mỹ Lai và một cộng đồng lân cận thuộc làng Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.
Ông Công, trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin AP trong tuần này, kể lại:
"Theo bản năng của người mẹ thì mẹ biết lính Mỹ đã giết người và nghe giết các nhà cạnh bên rồi. Mẹ tôi bắt đầu bảo, 'Các con chui vào trước, mẹ chui vào sau để mẹ cản đạn cho các con.'"
Bị bất tỉnh với thương tích ở đầu và thân mình từ những mảnh lựu đạn, ông Công được cứu sống vào buổi chiều khi cha ông đến nhặt xác.
"Khi [cha tôi] ẵm tôi là mình đầy máu. Tóc mẹ, chị em tôi dính đầy trên quần áo tôi."
Vụ thảm sát Mỹ Lai là sự kiện tai tiếng nhất trong lịch sử hiện đại của quân đội Mỹ, nhưng không phải là một biệt lệ trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.
Hồ sơ của chính quân đội Hoa Kỳ, được cất giữ kín đáo suốt ba thập niên qua, mô tả 300 trường hợp khác về điều có thể được mô tả một cách công bằng là những tội ác chiến tranh. Vụ Mỹ Lai nổi bật vì số người chết trong một ngày gây choáng váng, những bức hình kinh hoàng và những chi tiết hãi hùng được phơi bày bởi cuộc điều tra cao cấp của Lục quân Hoa Kỳ.
Chính sách chính thức về "khu vực bắn tự do"— những khu vực mà thường dân phải rời đi khi được cảnh báo — và một lệnh không chính thức "giết bất cứ thứ gì nhúc nhích" có nghĩa là người Việt Nam thường xuyên có nguy cơ dính đạn.
Ước tính số thường dân thiệt mạng trong cuộc chiến tranh trên bộ của Mỹ ở Việt Nam từ năm 1965 đến năm 1973 là từ 1 đến 2 triệu người.
Một lính Mỹ bình thường không biết chắc kẻ thù là ai và hiếm khi đối đầu trực tiếp với kẻ thù. Lính Mỹ là mục tiêu của những bãi mìn, bẫy chông, của những tay súng bắn tỉa. Lính Mỹ được yêu cầu giúp đỡ, nhưng dân Việt Nam ít khi chào đón họ. Tỉnh Quảng Ngãi, nơi có làng Mỹ Lai, là vùng kháng chiến của quân cộng sản.
Hai ngày trước cuộc thảm sát, một bẫy chông đã giết chết một trung sĩ, làm mù mắt một binh sĩ khác và làm bị thương nhiều người nữa trong toán tuần tra của Đại đội Charlie.
Những người lính sau đó khai chứng trước ủy ban điều tra của Lục quân Hoa Kỳ rằng cuộc thảm sát bắt đầu nhanh chóng khi Thiếu úy William L. Calley Jr. dẫn trung đội đầu tiên của Đại đội Charlie vào Mỹ Lai sáng hôm đó. Một người đàn ông lớn tuổi bị đâm chết bằng lưỡi lê; một người đàn ông khác bị ném xuống giếng và bị giết chết bằng lựu đạn. Phụ nữ và trẻ em bị lùa xuống mương và bị tàn sát. Phụ nữ và trẻ em gái bị hãm hiếp tập thể.
"Họ xông tới, trong cơn khát máu và bắn mọi thứ nhúc nhích," Hugh Thompson Jr. nhớ lại. Ông là phi công lái máy bay trực thăng của lục quân hỗ trợ nhiệm vụ ở Mỹ Lai. Cùng với phi hành đoàn hai người, ông và họ là những quân nhân duy nhất được biết là đã tích cực can thiệp để cố gắng ngăn chặn vụ thảm sát. Họ di tản một số thường dân Việt Nam sắp sửa bị các đồng đội của họ giết chết. Ông Thompson cũng là một trong số những người lính đã lên tiếng tố cáo và cuối cùng đưa vụ việc tới sự chú ý của công chúng.
Ông Calley bị kết tội năm 1971 về tội sát hại 22 người trong vụ tàn sát. Ông ta bị tuyên án tù chung thân nhưng chỉ thọ án ba ngày vì Tổng thống Richard Nixon ra lệnh giảm án. Ông ta bị quản thúc tại gia ba năm.
Ông Calley, người duy nhất bị kết tội trong cuộc thảm sát, tới giờ vẫn tránh nói về vụ việc này, dường như chỉ có một lần ngoại lệ duy nhất. Vào năm 2009, bị một người bạn thúc giục, ông ta đã phát biểu trước Câu lạc bộ Kiwanis ở thành phố Columbus, bang Georgia, gần căn cứ Fort Benning, nơi ông ta đã bị tòa án binh xét xử.
"Không có một ngày nào mà tôi không cảm thấy ân hận về những gì đã xảy ra hôm đó ở Mỹ Lai," ông Calley nói, theo tường thuật về cuộc gặp gỡ lúc đó của báo Columbus Ledger-Enquirer. "Tôi ân hạn cho những người Việt Nam đã thiệt mạng, cho gia đình của họ, cho những người lính Mỹ dính líu và gia đình họ. Tôi rất hối tiếc." Ông nói sai lầm của ông là tuân theo mệnh lệnh, lời biện hộ mà ông đã đưa ra khi bị xét xử.
Năm mươi năm sau vụ thảm sát, và gần 43 năm sau khi phe cộng sản chiến thắng và thống nhất đất nước, mối căm thù đã tan biến đi nhiều, ít nhất là một cách công khai, giữa hai quốc gia. Hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995, và Mỹ hiện là một trong những đối tác thương mại và nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Hợp tác về các vấn đề an ninh và quân sự đã phát triển đến mức hồi đầu tháng này một hàng không mẫu hạm của Mỹ đã ghé thăm cảng của Việt Nam lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh.
Hôm 15/3, tỉnh Quảng Ngãi đã khánh thành gian thờ cho các nạn nhân, trong đó có 24 người trong cùng một gia đình.
Ông Công, người sống sót sau vụ thảm sát, giờ là Giám đốc Ban quản lý Khu Chứng tích Sơn Mỹ. Khu Chứng tích này chiếm một phần khu vực xảy ra vụ thảm sát năm đó.
Ông nói ông không thể quên những hành động tàn ác đó nhưng ông sẵn lòng tha thứ cho những người lính để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa hai nước.
"Chúng tôi đã đã chịu đủ những mất mát và đau thương rồi, và chúng tôi chỉ muốn con cháu sẽ không phải trải qua những điều đó. Chúng tôi mong muốn hòa bình, chúng tôi muốn hòa bình vĩnh viễn," ông nói.