Thiện Ý
Ngày hôm nay, 27 tháng Giêng, 50 năm về trước, 1973, Hiệp Ðịnh Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình cho việt Nam, được ký kết bởi bốn bên trong cuộc chiến: Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hoà, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (tức Cộng sản Bắc Việt) và Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam (con đẻ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, công cụ thôn tính cộng sản hóa Miền Nam Việt Nam của Cộng Sản Bắc Việt).
Nhân dịp này, chúng tôi muốn đưa ra một số nhận định về giá trị pháp lý và thực thi của bản hiệp định này để cùng rút ra bài học kinh nghiệm.
Giá trị ấy là gì?
Xin thưa, câu trả lời tổng quát, đó chỉ là một văn kiện pháp lý mà các bên ký kết đều biết trước sẽ không bao giờ được thực thi. Nói nôm na, đó chỉ là tập giấy lộn, có giá trị như một bản án tử hình chế độ Việt Nam Cộng Hoà, được Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger và Lê Ðức Thọ của Cộng sản Bắc Việt hợp soạn; để rồi hai năm sau đó cưỡng tử Việt Nam Cộng Hoà vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, vi phạm trắng trợn bản Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình cho Việt Nam; trước sự phủi tay không thương tiếc của người bạn đồng minh Hoa kỳ, và sự làm ngơ của những cam kết quốc tế bảo đảm cho việc thực thi hiệp định này.
Thật vậy, như mọi người đều biết, sau biến cố Tết Mậu Thân 1968 ít lâu, Hội Nghị tại Paris khởi sự ở Pháp Quốc để tìm giải pháp chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Thất thế đầu tiên cho chính quyền Việt Nam Cộng Hoà ở Miền Nam là, dưới áp lực của Hoa Kỳ, đã phải ngồi vào bàn hội nghị bốn bên (thay vì chỉ có hai bên), dù biết rằng bị đặt ngang hàng với một bên là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, vốn là công cụ thôn tính Miền Nam của Cộng Sản Bắc Việt.
Kế đến, nhiều ngày tháng sau đó, trong khi bề ngoài các bên tranh cãi nhau về hình dạng bàn họp hội nghị là bàn vuông hay bàn tròn, để sau cùng đi đến bàn bầu dục, thì Cố vấn an ninh quốc gia kiêm Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger và Lê Ðức Thọ Ủy viên Bộ chính trị đảng CSVN, đã bí mật và chủ động soạn thảo ra văn kiện Hiệp Ðịnh Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại Hoà Bình ở Việt Nam, với nhiều điều khoản bất lợi, không chút bảo đảm gì cho sinh mạng chính trị chế độ Việt Nam Cộng Hoà (Trái với ý muốn của chính phủ và nhân dân VNCH; song phù hợp với ý đồ của cả bạn (Hoa Kỳ) lẫn thù (CSBV)).
Vậy mà Kissinger đã ép buộc chính phủ Việt Nam Cộng Hoà phải ký vào bản Hiệp định Paris. Chính phủ của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lúc đầu đã quyết liệt chối từ và lập tức bị Kissinger làm áp lực, đe dọa đủ điều. Sau vài sửa đổi một số điều khoản theo đòi hỏi của Việt Nam Cộng Hoà có tính nguyên tắc hơn là giá trị thực thi, cùng với sự gia tăng áp lực nặng nề lên chính phủ Nguyễn Văn Thiệu, kèm theo những lá thư phủ dụ, cam kết bảo đảm thực thi trong quan hệ riêng tư của Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon gửi cho Tổng Thống Thiệu, chính phủ Việt Nam Cộng Hoà đã không có sự chọn lựa nào khác là phải ký vào bản Hiệp Ðịnh Paris ngày 27-1-1973.
Hệ quả là: Hoa Kỳ đã có căn bản pháp lý để rút chân ra khỏi cuộc chiến một cách danh dự, sau khi đạt được những mục tiêu chiến lược trong vùng thông qua cuộc chiến Việt Nam, vì động thái này xảy ra sau Thông cáo chung Thượng Hải 1972 ký giữa TT. Hoa Kỳ Richard Nixon và Chủ tịch Trung quốc Mao Trạch Đông. Đây là kết quả những chuyến đi ngoại giao con thoi của Henry Kissinger giữa Washington – Moscow và Bắc kinh để tìm sự đồng thuận đi đến kết thúc hình thái chiến tranh nóng trong vùng; để thiết lâp một “nền trật tự kinh tế quốc tế mới” hay là “chiến lược toàn cầu mới” hậu Chiến tranh lạnh hay chiến tranh ý thức hệ toàn cầu giữa cộng sản chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Hiệp định Paris chính là căn bản pháp lý để Hoa Kỳ rút hết quân tham chiến về nước. Việc làm này đồng nghĩa với việc bỏ rơi Việt Nam Cộng Hoà và thả nổi cho Cộng Sản Bắc việt thôn tính Miền Nam Việt Nam vào ngày 30-4-1975. Chiến tranh Việt Nam kết thúc như một kịch bản, diễn ra không bình thường, ít nhiều bất ngờ cho cả hai bên nội chiến (CS Bắc Việt và Quốc gia Nam Việt), Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc như thế, không phải là thắng lợi của phe này (Việt cộng) đối với phe kia (Việt Quốc); mà chỉ là vì nhu cầu thay đổi thế chiến lược quốc tế mới của các cường quốc cực mà thôi.
Thật vậy, trong 9 chương, 23 điều của bản Hiệp Ðịnh Paris, chúng ta hãy đọc lại những điều mật ngọt nơi khoản (b) điều 9 Chương IV quy định “Việc thực hiện quyền tự quyết của nhân dân Miền Nam Việt Nam” như sau:
“ b) Nhân dân Miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của Miền Nam Việt Nam thông qua tổng tuyển cử thực sự tự do và dân chủ, có giám sát quốc tế.”
Khoản (a) điều 11 thì ghi “Ngay sau khi ngưng bắn, hai bên Miền Nam Việt Nam sẽ hiệp thương trên tinh thần hoà giải và hoà hợp dân tộc, tôn trọng lẫn nhau và không thôn tính lẫn nhau để thành lập Hội Ðồng Quốc Gia Hoà Giải và Hoà Hợp Dân Tộc gồm ba thành phần ngang nhau...”.
Vẫn chưa hết những điều mật ngọt, điều 15 của chương V Hiệp Ðịnh Paris quy định rất rõ ràng: “Việc thống nhất nước Việt Nam sẽ được thực hiện từng bước bằng phương pháp hoà bình trên cơ sở bàn bạc và thoả thuận giữa Miền Bắc và Miền Nam Việt Nam, không bên nào cưỡng ép hoặc thôn tính bên nào... Thời gian thống nhất sẽ do Miền Bắc và Miền Nam thoả thuận...”
Đến đây thì ai cũng thấy rõ ràng là thực tế hoàn toàn trái ngược với những quy định pháp lý, cam kết bảo đảm quốc tế và giá trị thực sự của bản Hiệp Định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình cho Việt Nam do bốn bên ký kết ngày 27-1-1975. Đây chỉ như là tập giấy lộn, như trò đùa, ký mà chơi, có giá trị như một bản án tử hình chế độ Việt Nam Cộng Hoà được thi hành hai năm sau đó.
Bởi vì, mọi bảo đảm, giám sát quốc tế, ghi trong bản Hiệp Định này đã không được thực thi, mọi biện pháp chế tài kẻ vi phạm vẫn không được thực hiện, trước sự vi phạm trắng trợn của cả hai mà thực sự là một: Cộng sản Bắc việt và công cụ xâm lược là Mặt Trận Giải Phóng Miến Nam Việt Nam. Chính công cụ này, được CSBV dựng lên vào Tháng 12-1960, đã dùng bạo lực quân sự cưỡng chiếm Miền Nam Việt Nam. Sau 55 ngày đêm tiến hành cái gọi là “Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử” mà thực tế chỉ là sự tiếp quản không cần chiến đấu, với tốc độ tiến quân chậm hơn tốc độ “di tản” của quân đội đối phương (VNCH), đến độ không kịp chuẩn bị đủ người để tiếp quản.
Đến đây thì bài học kinh nghiệm cần rút ra cho những người Việt quốc gia hay là người Việt Nam không cộng sản, sau 50 năm tiếp tục chống cộng vì mục tiêu dân chủ hóa cho Quê Mẹ Việt Nam, vẫn là câu nói đúng của cố Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà Nguyễn Văn Thiệu: “Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm”.
Đối với ngoại bang, bài học kinh nghiệm cần rút ra là, trong bất cứ hoàn cảnh nào, chiến tranh hay hoà bình, đừng quá tin vào đồng minh hay đồng chí, những cam kết quốc tế liên quan đến số phận dân tộc, đất nước mình, mà hãy tự tin vào chính mình và luôn luôn phải tự lực tự cường, dựa trên sức mình là chính để giải quyết mọi vấn đề có lợi cho dân tộc và đất nước.
Thiện Ý
Houston, ngày 27-1-2023