Cách đây 50 năm vào ngày 5/5/1968, không lâu sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, 5 phóng viên chiến trường nước ngoài đi điều tra một cuộc tấn công của du kích quân cộng sản vào Chợ Lớn, khu vực người Hoa ở Saigon. Vài tiếng đồng hồ sau, 4 trong 5 nhà báo bị bắn chết trong một cuộc phục kích của cộng sản. Người sống sót duy nhất là Frank Palmos, lúc đó là một nhà báo độc lập đưa tin về chiến tranh Việt Nam. Một nhà báo khác, Keith Smith của AAP, quyết định ở nhà để gửi bài về tòa soạn. Quyết định đó có thể đã cứu mạng ông. Nhân kỷ niệm 50 năm ngày giỗ các phóng viên này, trùng với ngày Tự do Báo chí Thế giới 3/5/2018, VOA-Việt ngữ xin vẽ lại bức tranh toàn cảnh ngày hôm đó dựa trên những chi tiết do những người sống sót và đồng nghiệp của các nạn nhân kể lại.
Theo lời kể của nhà báo Keith Smith thì từ sáng sớm 4/5/1968 đã râm ran tin đồn Việt Cộng sắp sửa tấn công các vùng ngoại ô Saigon. Bừng tỉnh giấc vì những tiếng súng nổ và tiếng trực thăng vần vũ, 5 phóng viên làm việc cho nhiều hãng tin quốc tế chen nhau lên một chiếc xe mui trần chạy về hướng những cột khói đen bốc lên từ Chợ Lớn. Chưa tới 3 giờ đồng hồ sau, 4 trong 5 nhà báo bị Việt cộng phục kích, làm 4 người tử vong. Người sống sót duy nhất là nhà báo Palmos, kể rằng trước đó xe lái ngược chiều với nhiều dòng người chạy đi lánh nạn. Nhiều người la lớn Việt Cộng! Việt Cộng! quay lại, quay lại đi!”
Nhưng khi chiếc xe quẹo sang một con đường nhỏ thì bị chặn lại vì một hàng thùng phi, một toán du kích cộng sản bất ngờ xuất hiện và lập tức xả súng. Xe nghiêng về phía trái và khựng lại. 4 nhà báo có người chết tại chỗ, có người bị thương.
Những gì diễn ra sau đó được kể lại với một số chi tiết khác nhau. Một nhà báo từng cộng tác với Reuters, tạp chí Newsweek và tờ Times of London, ông James Pringle, đăng một bài viết trên trang mạng Asia Sentinel năm 2008, kể rằng một viên chỉ huy của toán phục kích bước ra. Ngồi cạnh người lái, nhà báo Michael Birch la lên: 'Báo chí, báo chí'. Theo nhà báo Pringle viên chỉ huy VC lặp lại một cách mỉa mai: 'Báo chí à” rồi tiến gần tới Birch và nổ súng ở cự ly gần trước khi quay đầu súng bắn vào tài xế là phóng viên Cantwell, lúc đó đã ngã xuống, nằm trên mặt đất.
Trong số các nhà báo thiệt mạng trong cuộc phục kích ở Chợ Lớn có 3 người Úc: phóng viên AAP Michel Birch, 24 tuổi, phóng viên tạp chí Time John Cantwell, 29 tuổi, và phóng viên Reuters Bruce Pigott, 23 tuổi. Nhà báo thứ 4 là Ronald Laramy, 31 tuổi, người Anh, phóng viên của Reuters.
Theo lời kể của nhà báo Palmos, người duy nhất sống sót trong cuộc phục kích, thì ông giả chết một lúc, rồi bất thần vùng dậy chạy bán sống bán chết dưới lằn đạn của nhiều khẩu Kalashnikovs, sau cùng ông thoát thân bằng cách nhập vào một đoàn người chạy nạn. Là người ngoại quốc cao lớn, nhà báo cố gập người lại để đầu không nhô khỏi đám đông, rồi lấy bùn trát lên mặt. Tên du kích đuổi theo, nổ súng trên đầu đám người chạy nạn để uy hiếp và buộc họ chỉ điểm nhà báo, nhưng đám đông đã bảo vệ và cứu mạng ông.
Vài giờ sau cuộc đột kích, Palmos bày tỏ sự cảm kích của mình tại một cuộc họp báo ở Sài-gòn: “Không môt ai ngoảnh lại, đám đông lặng lẽ để cho tôi nhập đoàn, đi theo họ.”
Trở về nguyên vẹn, không một vết thương trên người, nhưng tinh thần bị chấn động, Palmos sau này thừa nhận rằng “cơn ác mộng” của ngày hôm ấy đã đeo đuổi ông trong suốt 20 năm, cho tới ngày 15/1/1988, khi ông rốt cuộc tìm ra được và trực diện với viên chỉ huy đội du kích Việt Cộng năm nào, mà nhà báo gọi là Co Van Cuong, tại một khách sạn ở tp.HCM.
Ông miêu tả khoảnh khắc đó trong quyền hồi ký “Ridding the Devils”:
“Tôi buộc mình phải nhìn ông ta, tôi thấy như adrenaline dồn về làm tim đập nhanh, tôi tự bảo mình rằng tôi phải đối diện với người đàn ông này. Không có đường nào để rút lui.”Phóng viên chiến trường Frank Palmos, người duy nhất sống sót sau vụ đột kích
Sau khi một phóng viên truyền hình, hỏi ông Cuong cảm thấy thế nào khi đồi mặt với người mà ông ta đã tìm cách giết hại, nhà báo Palmos cho biết cảm tưởng của ông lúc đó khá phức tạp: “Tôi đã truy lùng để kiếm cho ra ông ta, chỉ để khám phá ra rằng tôi không phải là một "người đi săn". Tôi không kiếm ra người đàn ông để báo thù.Thật lạ lùng là tôi cảm thấy mình không quan tâm tới tội lỗi của Cuong, mà thay vì muốn hại ông ta, tôi thấy mình chỉ muốn làm thế nào để ông ấy cảm thấy thoải mái hơn để kể lại câu chuyện từ quan điểm của ông ta.”
Trong quyền hổi ký, Palmos nói rốt cuộc, ông khám phá ra rằng dù là người chỉ huy toán phục kích, ông Cuong thực ra không phải là người đàn ông đã rượt đuổi theo để giết ông.
Trong cuộc gặp gỡ rất khó khăn giữa hai người, Cuong nói rằng khi ông ta bước ra, thì thấy hai nhà báo đã chết tại chỗ, hai người còn lại bị thương. Ông này kể : “Một người bị thương bắt đầu bò sang bên vệ đường.”
Nhà báo Palmos viết tiếp: “Người đàn ông đó là người lái xe, John Cantwell. Tôi nghĩ ông đã chết, ông bị giết bởi người đàn ông đã rượt đuổi theo tôi sau đó.”
Vẫn theo tác giả quyển hồi ký thì người đàn ông rượt theo bắn ông sau đó chết vì trúng đạn bắn đi từ một trực thăng vũ trang Cobra của Mỹ.
Sau cuộc gặp gỡ giữa nhà báo Palmos với viên chỉ huy toán du kích Việt Cộng, giới hữu trách Việt Nam đã bày tỏ “hối tiếc sâu xa” về cái chết của các nhà báo xảy ra 2 thập niên trước đó.
Một tướng lãnh Việt Nam được nhà báo Palmos nhắc đến dưới tên gọi “Nguyen Tuot thuộc Viện Lịch sử Quân sự Bộ Quốc phòng Việt Nam” viết trong một tuyên bố ngày 1/2/1988:
“Chúng tôi xin chia buồn với tất cả các gia đình về những sự mất mát đó, và cùng lúc chúng tôi cũng chắc chắn là họ cũng chia sẻ với chúng tôi về những sự mất mát của chúng tôi.”
Trong một bài viết để tưởng nhớ hai đồng nghiệp Reuters bị sát hại trong vụ này, The Baron, trang mạng độc lập của các phóng viên Reuters xưa và nay viết: “Ít có cái chết nào gây chấn động cho cộng đồng phóng viên Reuters cho bằng cái chết của Bruce Pigott và Ron Laramy, hai nhà báo Reuters chết trong cùng ngày tại một khu vực do các lực lượng cộng sản miền Bắc kiểm soát ở Sài-gòn, giờ là tp.HCM.”
Trang mạng cho biết hai nhà báo gia nhập đội ngũ phóng viên Reuters ở London cách nhau chỉ vài tháng. Cả hai tính tình đều điềm đạm ít nói. Tình bạn của họ nảy nở ở London càng gắn bó khi cả hai làm việc ở Việt Nam và chia chung phòng.
Con số các nhà báo chết trong chiến tranh Việt Nam thay đổi tùy theo nguồn tin và cách tính. Theo nhà báo James Pringle thì có tổng cộng 85 nhà báo thuộc đủ mọi quốc tịch chết trong khi tác nghiệp trên chiến trường Việt Nam và Campuchia, và ngày 5/5/1968 vẫn là ngày tang tóc nhất trong chiến tranh Việt Nam. Kỷ niệm 50 năm cái chết của 4 phóng viên chiến trường Úc và Anh tại Việt Nam đến trùng dịp Ngày Tự do Báo chí Thế giới 2018, nhắc nhở đến những mối hiểm nguy mà các nhà báo khắp nơi vẫn đang đối mặt hàng ngày trong khi tác nghiệp. Chỉ cách đây vài hôm, 10 nhà báo đã tử vong trên chiến trường Afghanistan.