Hôm nay, 9/8/18, đánh dấu đúng 73 năm từ ngày Mỹ thả bom nguyên tử xuống thành phố Nagasaki, Nhật Bản.
Hiện diện tại buổi lễ tưởng niệm có Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres. Đây là lần đầu tiên người đứng đầu Liên Hiệp Quốc dự lễ kỷ niệm này trong bối cảnh đang có nhiều nỗ lực nhằm thúc giục Triều Tiên phi hạt nhân hóa.
Ông Antonio Guterres kêu gọi tất cả các nước trên thế giới hãy cam kết giải trừ hạt nhân và đề ra những bước cụ thể để thực hiện mục tiêu này. Ông nêu ra những quan ngại về sự chậm trễ của các nỗ lực này.
Ông Guterres nói những sự lo ngại về chiến tranh hạt nhân vẫn còn hiện hữu sau 73 năm kể từ khi bom nguyên tử được thả xuống hai thành phố Nhật Bản là Nagasaki và Hiroshima. Ông nói thế giới đừng bao giờ để xảy ra những hành động tương tự.
Hơn 5.000 người dân Nhật Bản, trong đó có những người sống sót qua thảm họa nguyên tử ở Nagasaki, đã cùng các đại diện đến từ 70 quốc gia tham gia buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân và giành một phút mặc niệm vào đúng 11:02 – khoảnh khắc quả bom nguyên tử Fatman rơi xuống thành phố Nagasaki.
Từ Tokyo, Nhật hoàng Akihito đã cùng Hoàng Hậu Michiko tham gia lễ mặc niệm và cầu nguyện. Theo Kyodo News, nhà vua và hoàng hậu theo dõi buổi lễ trên truyền hình. Đây là lần cuối cùng Nhật hoàng chứng kiến lễ kỷ niệm sự kiện đánh bom nguyên tử Nagasaki trước khi ông thoái vị vào tháng 4 năm sau.
Quả bom nguyên tử do Hoa Kỳ thả xuống Nagasaki ngày 9/8/1945 đã giết chết khoảng 70.000 người. Ba ngày trước đó, Mỹ thả một quả bom nguyên tử xuống Hiroshima làm 140.000 người thiệt mạng. Nhật Bản bị buộc phải đầu hàng và Thế Chiến thứ Hai kết thúc.
Tổng thư ký LHQ Guterres nói hòa bình và phong trào giải trừ hạt nhân được chính những người sống sót khởi xướng sau các vụ thả bom nguyên tử giờ đây đã lan rộng trên toàn thế giới nhưng những bức xúc về sự tiến triển quá chậm của nỗ lực này dẫn tới việc thông qua Hiệp ước Cấm phổ biến Vũ khí Hạt nhân hồi năm ngoái.
Mặc dù Nhật là nước duy nhất trên thế giới bị tấn công bằng bom hạt nhân, nhưng Tokyo không ký hiệp ước này vì vị thế tế nhị của Nhật Bản, trong tư cách là một đồng minh của Hoa Kỳ và được bảo vệ bằng sức mạnh hạt nhân của Mỹ.
Thị trưởng thành phố Nagasaki, Tomihisa Taue, thúc giục chính phủ Nhật làm nhiều hơn nữa để dẫn đầu phong trào giải trừ hạt nhân trên toàn thế giới.
Phát biểu tại Hiroshima cách đây ba ngày, Thủ Tướng Shinzo Abe nói Nhật Bản đang tìm cách thu hẹp khoảng cách quan điểm bất đồng giữa các nước có hạt nhân và không có hạt nhân về vấn đề này để cuối cùng đạt được một thế giới phi hạt nhân.
Tại một cuộc gặp mặt hôm 9/8 với Thủ Tướng Abe, một người sống sót qua vụ thả bom nguyên tử hỏi thẳng ông rằng làm sao ông có thể thu hẹp khoảng cách về quan điểm trong khi Nhật Bản tiếp tục được bảo vệ bằng "ô hạt nhân" của Mỹ?
Your browser doesn’t support HTML5