Ngày 30/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thúc đẩy Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc gia hạn lệnh cấm vận vũ khí Iran trước khi lệnh này hết hạn vào tháng 10 khiến Nga chỉ trích chính sách của Washington đối với Tehran là “dùng đầu gối” đè cổ một nước.
Trước đây trong tháng, Hoa Kỳ chuyển đến 15 thành viên Hội đồng Bảo an một dự thảo nghị quyết, nhưng hai cường quốc có quyền phủ quyết là Nga và Trung Quốc đã ra chỉ dấu cho thấy chống lại động thái này.
Ông Pompeo lập luận rằng Iran không phải là một nước dân chủ có trách nhiệm” và phải qui trách nhiệm cho nước này.
“Đừng chỉ nghe Mỹ, hãy nghe các nước trong vùng. Từ Israel cho đến vùng Vịnh, những nước ở Trung Đông-là những nước bị Iran giương oai diễu võ-đang cất lên cùng một tiếng nói: Gia hạn lệnh cấm vận vũ khí,” ông Pompeo phát biểu tại một phiên họp trên mạng của Hội đồng Bảo an.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump từ lâu cho rằng lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran không nên được dỡ bỏ. Lệnh cấm vận vũ khí sẽ chấm dứt vào giữa tháng 10 theo thỏa thuận hạt nhân 2015 giữa Tehran với Anh, Đức, Pháp, Trung Quốc, Nga và chính quyền tiền nhiệm của ông Trump, Barrack Obama.
Kể từ khi ông Trump nhậm chức vào năm 2017, chính quyền Mỹ đã từ bỏ thỏa thuận hạt nhân và tăng cường chế tài đều đặn lên Iran mà Washington mô tả là áp lực tối đa.
Phát biểu với Hội đồng, Đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc Vassily Nebenzia mô tả chính sách vừa kể là “chính sách làm nghẹt thở tối đa”
“Nhiệm vụ đề ra là thay đổi chế độ hay tạo ra tình thế mà Iran sẽ không thể nào thở được. Việc này như là dùng đầu gối đè cổ người khác,” ông nói.
Hội đồng Bảo an họp ngày 30/6 để thảo luận về phúc trình mới nhất của Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres về việc thi hành lệnh cấm vận vũ khí và những hạn chế khác vẫn còn hiệu lực theo thỏa thuận hạt nhân.
Phúc trình của ông Guterres nói phi đạn hành trình dùng trong một vài cuộc tấn công vào các cơ sở dầu mỏ và một phi trường quốc tế tại Ả Rập Xê-Út trong năm qua “có xuất xứ từ Iran.”
Nếu Washington không thành công trong việc gia hạn cấm vận vũ khí, Mỹ đe dọa sẽ phát động tại Hội đồng Bảo an trở lại tất cả chế tài Liên hiệp quốc lên Iran theo thỏa thuận hạt nhân, cho dù Mỹ đã rời hiệp ước vào năm 2018. Các nhà ngoại giao nói Washington sẽ phải đối đầu với một trận chiến khó khăn, xáo trộn.
Iran đã vi phạm một phần thỏa thuận hạt nhân để đáp trả việc Mỹ rút lui và Washington tái áp đặt các chế tài.
Anh, Pháp và Đức đều bày tỏ quan ngại là dỡ bỏ cấm vận vũ khí Iran sẽ có ảnh hưởng mạnh đối với an ninh và ổn định trong vùng. Tuy nhiên các nước này nói sẽ không ủng hộ những nỗ lực đơn phương của Mỹ quay trở lại áp đặt tất cả chế tài Liên hiệp quốc lên Iran.