Mỹ thâm hụt thương mại cao nhất trong 10 năm

Một căn nhà đang được rao bán ở Sunnyvale, California

Thâm hụt thương mại Mỹ trong tháng 10 lên đến mức cao nhất trong một thập niên giữa bối cảnh xuất khẩu đậu nành đã giảm hơn nữa và nhập khẩu hàng tiêu dùng lên đến mức cao kỷ lục.

Điều này cho thấy các biện pháp đánh thuế của chính quyền Trump để thu hẹp thâm hụt thương mại không có tác dụng.

Các dữ liệu khác hôm 6/12 cho thấy các công ty tư nhân trong tháng 11 thuê mướn ít công nhân hơn kỳ vọng, cho thấy nhịp độ tăng trưởng việc làm có phần chừng mực.

Các số liệu này, cùng với dữ liệu èo uột về tình hình mua nhà và chi tiêu cho thiết bị của các doanh nghiệp đã tỏ dấu hiệu cho thấy kinh tế đã tăng trưởng chậm lại. Những quan ngại về sức khỏe của kinh tế Mỹ đã làm bấn loạn các thị trường tài chính trong những ngày qua.

Bộ Thương mại cho biết thâm hụt thương mại đã tăng 1,7% lên 55,5 tỷ đô la, mức cao nhất kể từ tháng 10 năm 2008. Mức thâm hụt này giờ đây đã nới rộng thêm trong 5 tháng liên tiếp. Các số liệu trong tháng 9 đã được điều chỉnh để cho thấy mức thâm hụt đã tăng lên 54,6 tỷ đô la thay vì con số được thông báo trước đây là 54 tỷ đô la.

Con số thâm hụt với Trung Quốc vốn nhạy cảm về chính trị đã tăng lên 7,1% lên đến mức kỷ lục 43,1 tỷ đô la trong tháng 10.

Hồi tháng 10, các kinh tế gia được Reuters tham khảo ý kiến đã dự đoán mức thâm thủng thương mại toàn diện sẽ lên đến 55 tỷ đô. Khi được điều chỉnh lạm phát thì mức thâm hụt thương mại hàng hóa từ 87,2 tỷ đô la trong tháng 9 lên 87,9 tỷ trong tháng 10. Con số này, được gọi thâm hụt thương mại thực tế nằm trên mức trung bình trong quý ba.

Thâm hụt thương mại đã khiến tăng trưởng GDP mất 1,91 điểm phần trăm trong quý 3. Dự đoán tăng trưởng cho quý 4 năm này là 2,8%.

Trong tháng 10, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ đã giảm 0,1% xuống 211 tỷ đô la. Xuất khẩu đậu nành vốn chủ yếu là bán cho Trung Quốc và đã liên tục sụt giảm trong những tháng vừa qua, đã giảm 0,8 tỷ đô la. Xuất khẩu máy bay dân sự và động cơ cũng giảm. Đồng đô la mạnh khiến hàng hóa Mỹ đắt đỏ hơn có lẽ là lý do kiềm hãm đà tăng của xuất khẩu Mỹ.

Nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 0,2% lên 266,5 tỷ đô la – mức cao nhất từ trước đến nay. Nhập khẩu hàng tiêu dùng đã tăng 2 tỷ đô la lên mức cao kỷ lục là 57,4 tỷ đô la.

Nhập khẩu tăng là do nhu cầu trong nước tăng mạnh và đồng đô la mạnh khiến cho hàng hóa nhập khẩu rẻ hơn cho dù có bị chính quyền Trump đánh thuế cao hơn.