Một số người gốc Việt ở Mỹ sẵn sàng tiêm ngay khi vaccine ngừa Covid-19 được tung ra trong khi cũng có người bày tỏ nghi ngại việc vaccine bỏ qua những bước an toàn bắt buộc nên ‘muốn đợi một thời gian’ rồi mới tiêm, theo tìm hiểu của VOA.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump hứa hẹn sẽ có vaccine hiệu quả và an toàn trong năm nay và thậm chí ‘có thể sớm hơn’. Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) yêu cầu giới chức y tế các tiểu bang và các địa phương ‘sẵn sàng để phân phối vaccine đến những nhóm có nguy cơ cao kể từ 1/11, ngay trước ngày bầu cử Tổng thống 3/11.
Nỗ lực có được vaccine ngừa Covid-19 được xem là lá bài quan trọng trong chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Trump, nhưng cộng đồng khoa học e rằng Toà Bạch Ốc sẽ gây áp lực với các cơ quan quản lý để cắt ngắn những bước cần thiết đảm bảo độ an toàn cho vaccine.
‘Trách nhiệm cao’
“Tôi nghĩ rằng người dân Mỹ đang có nhu cầu đối với vaccine vô cùng lớn để họ an tâm sinh sống, an tâm làm việc, an tâm phát triển kinh tế,” y tá Lê Văn Đạo ở bệnh viện St Elizabeth, thành phố Boston, bang Massachusetts, người chăm sóc cho bệnh nhân Covid và bản thân từng bị nhiễm Covid, nói với VOA.
Y tá gốc Việt này cho biết ông sẵn sàng tiêm một trong những mũi vaccine đầu tiên cũng như sẵn sàng tiêm cho những người chung quanh.
Ông Đạo nhìn nhận rằng nếu thúc đẩy việc chế tạo và vaccine quá nhanh ‘thì cẩu thả luôn có thể có’ nhưng do ở Mỹ và phương Tây ‘có sự ràng buộc trách nhiệm rất cao,’ mà nếu để xảy ra sơ suất thì sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề, nên ông ‘tin vào vaccine của Mỹ và châu Âu hơn là của Nga hay Trung Quốc’.
“Đối với những nước như Mỹ có luật pháp phân minh và luật y tế rất rõ ràng thì hậu quả người ta thưa kiện sẽ rất khủng khiếp. Đó là sự răn đe rất hiệu quả đối với những người nghiên cứu chế ra thuốc chủng ngừa,” (4:47) ông lập luận và lưu ý ở Mỹ người dân có thể dễ dàng truy cập được những dữ liệu về kết quả thử nghiệm vaccine trong khi ở Nga và Trung Quốc ‘những thông tin này bị bưng bít’.
‘Quan ngại’
Anh Quinton Tăng, 25 tuổi, hiện đang làm kế toán tại thủ đô Washington D.C., nói anh ‘nhất định không tiêm vaccine ngay khi nó ra’ mà chẳng thà đợi một hai tháng xem người khác tiêm trước coi có hiệu quả như thế nào.
“Vaccine này có được quá sớm, họ làm xong nhanh quá nên tôi lo sợ sẽ có nhiều tác dụng phụ,” anh giải thích và dẫn ra việc nhiều vaccine phải mất đến 10-15 năm mới được chính phủ cho phép lưu hành.
“Tiến sỹ Anthony Fauci (Giám đốc Viện Quốc gia về Dị ứng và Các bệnh truyền nhiễm) đã nói sớm nhất phải đến tháng Tư năm 2021 mới có vaccine mà bây giờ chính phủ nói sẽ có vaccine trong tháng 11,” anh Quinton chỉ ra. “Có điều gì đó đáng ngờ ở đây. Mốc thời gian đó rất gần với ngày bầu cử.”
Anh đồng ý rằng trước một vấn đề khẩn cấp như dịch bệnh virus corona thì việc nghiên cứu và bào chế vaccine cần phải được đẩy nhanh bằng cách ‘dồn sức người, sức của, cắt giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà’ nhưng đẩy nhanh ‘không có nghĩa là cắt bớt quy trình’.
“Trước đó, chính phủ đã dự tính sẽ đẩy nhanh quá trình tìm vaccine nhưng giờ đây cái mốc họ đưa ra thậm chí còn nhanh hơn cái mà họ dự tính trước đó. Điều này khiến tôi lo ngại,” Quinton nói.
‘Chấp nhận rủi ro’
Ông Nguyễn Văn Tánh, 77 tuổi hiện đang sống ở bang New York và thuộc nhóm có nguy cơ nhiễm bệnh cao sẽ được ưu tiên tiêm chủng một khi Mỹ có vaccine, nói ông ‘sẽ làm theo mọi người’.
“Tôi đồng ý là có thể có những biến chứng nhưng tôi chấp nhận rủi ro,” ông nói thêm và giải thích rằng đó là cách ông ‘góp phần nhỏ cho nước Mỹ’ mà ông xem như là quê hương thứ hai.
Ông Tánh nói ông ủng hộ việc gấp rút tìm ra vaccine vì dịch bệnh ‘đã gây ảnh hưởng rất tệ hại cho kinh tế Mỹ’ và ông không cho rằng việc chính quyền muốn có vaccine sớm là ‘vì mục đích chính trị.’ Ông tin rằng ‘chính phủ xử lý vấn đề sức khỏe của người dân không thể làm cẩu thả’.
“Nếu vì chuyện bầu cử mà ông Tổng thống làm tác hại đến dân chúng, đến sinh mạng của đồng bào thì dù ông ấy có làm thêm một nhiệm kỳ nữa cũng sẽ bị người dân nguyền rủa, lên án,” ông Tánh giải thích lý do vì sao ông tin chính phủ làm cẩn thận.
Tranh cãi về việc cấp phép khẩn cấp
Trong lúc này, ở Mỹ hiện đang có tranh cãi về việc liệu Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) có nên dùng quyền cho phép khẩn cấp để cho lưu hành sớm vaccine ngừa Covid-19 hay không.
Những người phản đối cho rằng động thái này sẽ gây ra mối nguy về an toàn và thổi bùng tâm lý bài vaccine trong người dân Mỹ. Những người ủng hộ lập luận rằng việc sớm cho phép vaccine sẽ giúp ‘cứu sinh mạng hàng ngàn người’.
Quyền cho phép lưu hành khẩn cấp là sự phê chuẩn tạm thời của FDA để đẩy nhanh việc cho lưu hành những sản phẩm y tế cần thiết trong một tình huống khẩn cấp về y tế. FDA đã từng sử dụng quyền này một lần trong lịch sử hồi năm 2005 để cho phép tung ra vaccine ngừa bệnh than.
Để cấp phép sử dụng khẩn cấp, FDA phải xác định được rằng vaccine ‘có thể có hiệu quả’ và ‘những lợi ích đã biết hay có thể có vượt quá rủi ro’, trong khi để được phê chuẩn đúng quy trình thì vaccine cần phải chứng tỏ là hiệu quả và an toàn một cách chắc chắn.
Ông Scott Gottlieb, cựu ủy viên FDA, được Washington Post dẫn lời nói rằng ‘rất có khả năng’ những vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên sẽ được FDA dùng quyền cho phép khẩn cấp thông qua cho một nhóm đối tượng có chọn lọc, chẳng hạn như các nhân viên y tế, miễn là ‘dữ liệu cho thấy vaccine đó an toàn và có hiệu quả’.
Ông Peter Marks, giám đốc Trung tâm Đánh giá và Nghiên cứu Sinh học của FDA, được Washington Post dẫn lời khẳng định rằng ‘những tính toán chính trị sẽ không can dự vào quá trình phê chuẩn vaccine’.
“Ý định của chúng tôi là đem đến cho người dân Mỹ không gì ít hơn tiêu chuẩn vàng,” ông nói nhưng cũng nhấn mạnh rằng ‘sẽ là phi đạo đức nếu yêu cầu phải hoàn thành mọi thủ tục giấy tờ cần phải có… nếu dữ liệu cho thấy vaccine hiệu quả và an toàn trong khi người ta vẫn chết vì Covid-19’.
“Chúng tôi có nghĩa vụ phải tính toán giữa lợi và hại,” ông Marks nói.
Các chuyên gia về vaccine lo rằng bất cứ dấu hiệu nào về sự can thiệp chính trị vào quá trình tìm kiếm vaccine sẽ ‘làm tổn thương niềm tin công chúng’ và điều này ‘sẽ có hậu quả nghiêm trọng đối với sự sẵn lòng tiêm ngừa của người dân’.
“Nếu công chúng không tin tưởng vào quá trình cấp phép và nghĩ rằng nó đã bị chính trị ảnh hưởng, thì việc tiếp nhận vaccine sẽ như thế nào,” ông John Moore, một nhà vi trùng học tại Trường Y thuộc Đại học Cornell, nói với Washington Post.
Trong một lá thư đề ngày 26/8, các bác sĩ bệnh truyền nhiễm của Mỹ yêu cầu dữ liệu về tính hiệu quả và an toàn của vaccine phải được ‘các chuyên gia nội bộ và chuyên gia độc lập xem xét’ nếu FDA sử dụng quyền cấp phép khẩn cấp.
Bà Patricia Zettler, từng là nhà tư vấn của FDA và hiện là giáo sư luật tại Đại học Bang Ohio, nói trên tờ Washington Post rằng ‘việc có những bằng chứng khắt khe về tính hiệu quả và an toàn của vaccine là cực kỳ quan trọng’.
Bà cho rằng do vaccine thử nghiệm được tiêm cho những người khỏe mạnh chưa có bệnh nên ‘cần phải tuân theo tiêu chuẩn cao và phải được thông qua quá trình phê chuẩn đầy đủ,’ mà quá trình này sẽ mất rất nhiều thời gian.