Quân đội Trung Quốc đã đẩy nhanh việc quân sự hóa các đảo tranh chấp trên Biển Đông với việc triển khai các hệ thống tên lửa tân tiến trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Lầu Năm Góc cho biết.
Các quan chức quốc phòng tiết lộ với tờ Washington Free Beacon rằng việc quân sự hóa này đã gióng lên hồi chuông báo động về việc Trung Quốc đang từ từ giành quyền kiểm soát tuyến đường biển chiến lược với giá trị hàng hóa vận chuyển qua hàng năm vào khoảng 5.000 tỷ đô la Mỹ.
Các quan chức này đã nhận thấy quan ngại của Bộ Quốc phòng Mỹ được đề cập chi tiết trong bản báo cáo về sức mạnh quân sự Trung Quốc sắp được công bố. Bản báo cáo hàng năm cho Quốc hội dự kiến sẽ được công bố trong tương lai gần.
“Trung Quốc đang tiếp tục triển khai dần dần các thiết bị quân sự đến tiền đồn trên các đảo mà họ nắm giữ thuộc quần đảo Trường Sa,” một quan chức cấp cao cho biết.
“Việc triển khai này bao gồm các thiết bị phá sóng quân sự cũng như các hệ thống tên lửa chống hạm và đối không tân tiến.”
“Hệ thống tên lửa này là hệ thống tên lửa mặt đất có uy lực nhất mà Trung Quốc triển khai trên Biển Đông,” quan chức này nói.
Các tên lửa này được nhận diện là tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B vốn cho phép quân đội Trung Quốc khả năng bắn các tàu trong khoảng cách 340 dặm – đủ để nhắm vào các chiến hạm của Mỹ vốn thường xuyên đi qua vùng biển này trong khuôn khổ các chiến dịch tự do hàng hải.
Việc lắp đặt tên lửa ở quần đảo Trường Sa lần đầu tiên được Cục Tình báo Quốc phòng phát hiện vài năm trước. Vào lúc đó, các tên lửa được đánh giá là có tầm bắn rất ngắn chỉ vài dặm.
Tuy nhiên, Cục Tình báo Quốc phòng Mỹ đã báo cáo nội bộ rằng các tên lửa mới được đặt trên cơ sở quân sự cũ có thể được sử dụng để tấn công các tàu chiến ở tầm xa – một dấu hiệu cho thấy cuối cùng cũng sẽ thay thế tên lửa tầm ngắn bằng những vũ khí mang tính sát thương cao hơn. Điều này dường như đã xảy ra với việc triển khai các tên lửa YJ-12B.
Các tên lửa phòng không được Lầu Năm Góc nhận diện là hoặc là tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9A hoặc là HQ-9B với tầm bắn lên đến 184 dặm.
Các tên lửa lớp HQ-9 có khả năng bắn hạ máy bay, các thiết bị bay không người lái và tên lửa hành trình.
Quan chức quốc phòng Mỹ cho biết các tên lửa này đã yên vị tại Trường Sa.
Mới đây Fox News đưa tin rằng Trung Quốc dường như đã dời các tên lửa phòng không ra khỏi đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Tuy nhiên, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng tường thuật rằng chúng đã được đưa trở lại.
Vị quan chức cấp cao này cho biết Ngũ Giác Đài đang chuẩn bị đáp trả lại sự triển khai khí tài mạnh bạo này của Trung Quốc trên Biển Đông với một loạt các hành động.
Bên cạnh việc triển khai tên lửa, Trung Quốc còn làm Mỹ tức giận với việc chiếu tia laser vào các máy bay chở hàng quân sự của Mỹ bay gần căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Djibouti thuộc vùng Sừng châu Phi. Hành động chiếu tia laser này đã làm tổn thương mắt của phi công trên hai chuyến bay.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis lần đầu tiên đưa ra quan ngại của Lầu Năm Góc về việc quân sự hóa các đảo của Trung Quốc tại một bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-la vào đầu tháng Sáu.
“Việc Trung Quốc quân sự hóa các thực thể nhân tạo trên Biển Đông bao gồm triển khai tên lửa chống hạm, tên lửa đất đối không, các thiết bị phá sóng điện tử và mới đây nhất các máy bay ném bom đã hạ cánh trên đảo Woody,” ông Mattis nói, sử dụng cách gọi quốc tế đối với đảo Phú Lâm.
“Mặc dù Trung Quốc tuyên bố ngược lại, việc triển khai các khí tài này gắn trực tiếp với việc sử dụng quân sự cho mục đích bắt nạt và cưỡng ép,” ông nói thêm.
Ông Mattis còn lưu ý rằng hành động quân sự hóa này trực tiếp đi ngược lại với lời hứa của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm 2015 rằng Bắc Kinh không có kế hoạch quân sự hóa các đảo.
Người đứng đầu mới của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Philip Davidson, thông báo với Ủy ban Quân lực Thượng viện bằng văn bản hồi tháng Tư rằng các vũ khí điện tử được triển khai trên quần đảo Trường Sa bao gồm nhiều loại radar và các thiết bị tấn công điện tử.
“Những thiết bị này đã tăng cường đáng kể năng lực nhận biết khu vực theo thời gian thực và năng lực phá sóng điện tử của Giải phóng quân Trung Quốc ở một khu vực rộng lớn trên Biển Đông, đặt ra thách thức lớn đối với hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực,” ông Davidson cho biết.
Các cơ sở quân sự của Trung Quốc trên bảy thực thể của Trường Sa bao gồm nhà để máy bay, doanh trại, nhiên liệu dưới lòng đất và các thiết bị trữ nước dùng cho mục đích ‘tấn công và phòng thủ’.
Với hệ thống khí tài này, Đô đốc Davidson đưa ra cảnh báo: “Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ có khả năng sử dụng những căn cứ này để thách thức sự hiện diện của Mỹ trong khu vực và bất kỳ lực lượng nào đợc triển khai đến các đảo sẽ dễ dàng áp chế lực lượng quân sự của bất kỳ quốc gia nào có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Nói ngắn gọn, giờ đây Trung Quốc đã có thể kiểm soát Biển Đông trong mọi kịch bản chỉ trừ chiến tranh với Mỹ.”
Ông Rick Fisher, chuyên viên nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế, nói rằng các tên lửa ở quần đảo Trường Sa có thể được cất giữ trên đảo Phú Lâm và được đưa về phía nam.
“Để răn đe Trung Quốc trên Biển Đông, Hoa Kỳ cần phải đặt các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tấn công tầm xa trong khu vực,” ông Fisher nói.
“Nếu chúng không thể được đặt ở Philippines thì chúng ta cần phải đặt chúng trên tàu, hay nhanh chóng phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung của riêng chúng ta trên đảo Guam.”
Ông Fisher said còn nói rằng các lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc ‘cần phải được làm cho hiểu rằng bất cứ hành động sử dụng vũ khí nào từ các đảo họ chiếm giữ trên Biển Đông sẽ dẫn đến hậu quả là các căn cứ phi pháp của họ sẽ bị phá hủy ngay lập tức’.
Đại úy Hải quân về hưu Jim Fanell nói rằng nếu việc triển khai tên ở Trường Sa được xác nhận thì nó gia tăng nguy cơ quân sự trong khu vực.
“Mục tiêu tối hậu của Trung Quốc là đẩy lực lượng quân sự Mỹ ra khỏi châu Á và thay thế bằng hải quân của họ vốn có thể áp đặt việc khôi phục của cái mà Bắc Kinh tin là chủ quyền lãnh thổ của họ - toàn bộ vùng biển nằm tron Đường chín đoạn trên Biển Đông,” Fanell nói.
“Tuy nhiên, việc sử dụng vũ lực không nên bị coi nhẹ,” ông nói thêm. “Như chúng ta đã thấy trong chiến dịch ‘sức ép tối đa’ của chính quyền đối với Bắc Triều Tiên, cách làm tương tự có thể đem đến kết quả trước Đảng Cộng sản Trung Quốc.”