Philippines sẽ gia tăng các cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ trong năm tới để xây dựng các mối quan hệ với một đồng minh cũ đáng tin cậy trong trường hợp Trung Quốc đe dọa các tuyên bố chủ quyền của Manila trên biển, dù tình hữu nghị Bắc Kinh-Manila ngày càng tăng.
Washington và Manila đồng ý tổ chức 281 cuộc tập trận trong năm 2019 so với 261 cuộc tập trận trong năm nay, trang mạng của Lực lượng Vũ trang Philippines cho biết trong một tuyên bố ngày 1/10. Cả hai bên “mong đợi một sự hợp tác tiến triển, chặt chẽ” trong việc chống khủng bố, an ninh hàng hải, viện trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, tuyên bố nói.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã hạ giảm sự trợ giúp của quân đội Mỹ kể từ khi nhậm chức vào năm 2016 và xây dựng các mối quan hệ với Trung Quốc, đối thủ địa chính trị của Hoa Kỳ. Tuy nhiên nhiều người Philippines, đặc biệt là những người trong ngành quốc phòng, cho thấy họ tin tưởng nhiều hơn vào nước Mỹ, quốc gia đã chiếm cứ quần đảo Đông Nam Á này làm thuộc địa trước Thế Chiến Thứ Hai.
Về phần mình, Bắc Kinh đã xây dựng các đảo nhân tạo và điều động các thiết bị quân sự đến Biển Đông, nơi chính phủ cộng sản Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Philippines và 4 nước khác. Việc gia tăng các cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ cho thấy ông Duterte hiện công nhận các lo ngại về Trung Quốc, các chuyên gia nói.
Các cuộc tập trận hải quân qui mô lớn hàng năm giữa Hoa Kỳ và Philippines tại Biển Đông ngưng lại vào năm 2017. Ông Duterte đã lên tiếng mạnh mẽ chống lại sự trợ giúp của Hoa Kỳ. Ông tuyên bố “từ giã nước Mỹ” vào tháng 12 năm 2016 sau khi Washington nêu nghi vấn về chiến dịch bài trừ ma túy của ông.
Hiện nay ông Duterte muốn khôi phục lại các quan hệ quân sự để chứng tỏ ông đang cân bằng các quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ, Giáo sư Jay Batongbacal về các quan hệ hàng hải quốc tế tại trường đại học Philippines nhận định. Các cuộc tập trận năm 2019 sẽ có hiệu quả là đưa Manila trở lại mức độ tập trận chung trước thời ông Duterte, Giáo sư Batongbacal nói tiếp.
Các quan hệ quân sự giữa Washington và Manila được chi phối bởi hiệp ước phòng vệ hỗ tương ký kết năm 1951 (quy định nước này có nghĩa vụ phải hỗ trợ nước kia trong trường hợp bị tấn công) cũng như Thỏa thuận hai Lực lượng thăm viếng lẫn nhau có từ 19 năm trước.
Lực lượng Vũ trang Philippines được công chúng ủng hộ vào năm ngoái sau khi đánh bại phiến quân Hồi Giáo theo Nhà nước Hồi Giáo sau 5 tháng chiến đấu để kiểm soát một thành phố miền nam, Phó giáo sư Eduardo Araral thuộc trường về chính sách công Đại học Quốc gia Singapore nói. Hoa Kỳ viện trợ vũ khí cho cuộc chiến tranh này.
“Sự kiện Philippines được đồng minh Hoa Kỳ hỗ trợ có nghĩa là Tổng thống Philippines có thể tiếp tục đa dạng các quan hệ ngoại giao của Manila và lựa chọn các chính sách ngoại giao mà không gặp nhiều nguy cơ thêm nữa và ông có thể tiếp tục giữ cho quân đội hài lòng bằng cách trao cho họ những gì họ muốn,” theo ông Fabrizio Bozzato, một nhà nghiên cứu chuyên về châu Á và Thái Bình Dương thuộc Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Đài Loan.
Indonesia, Malaysia và Việt Nam đã soạn thảo những chiến lược ngoại giao tương tự, giao dịch cả với Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ.
Ông Duterte không tỏ dấu hiệu gì cho thấy ông tách khỏi Trung Quốc. Bắc Kinh và Manila hiện nhắm ký kết một thỏa thuận thăm dò chung dầu mỏ và khí đốt dưới đáy biển, dù nhiều người Philippines lo ngại về sự gia tăng các hoạt động quân sự của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp Trường Sa.
Năm tới các cuộc tập trận Hoa Kỳ-Philippines sẽ không quan trọng hơn nước Mỹ mong muốn, ông Araral nói. Họ sẽ tránh “những cuộc tập trận đổ bộ lớn làm Trung Quốc phản đối”, ông Araral nói tiếp.
Washington hy vọng giữ cho mối quan hệ với Philippines được vững mạnh trong khuôn khổ một liên minh rộng rãi hơn với các nền dân chủ châu Á trong đó có Hàn Quốc và Nhật Bản, các chuyên gia nhận xét. Liên minh này sẽ kiểm soát một cách hữu hiệu sự bành trướng của Trung Quốc trên biển.
Vấn đề Philippines đặc biệt có ý nghĩa vào lúc này, khi sự chống đối của cư dân địa phương tại các căn cứ của Mỹ ở Okinawa và Hàn Quốc ngày càng tăng, theo ông Araral.