Nga và Trung Quốc sẽ bị cô lập tại Liên hiệp quốc nếu họ “đi theo con đường ảo tưởng” bằng cách ngăn việc Mỹ nỗ lực gia hạn một lệnh cấm vũ khí lên Iran, đặc sứ Mỹ phụ trách các vấn đề về Iran, Brian Hook, cho Reuters biết trước khi chính thức đưa vấn đề cấm vận ra Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ngày 24/6.
Lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran có từ 13 năm nay sẽ hết hạn vào tháng 10, theo những điều khoản của thỏa thuận hạt nhân 2015 giữa Tehran với các cường quốc thế giới. Nga và Trung Quốc đã ra chỉ dấu chống lại việc gia hạn lệnh cấm vận này.
Dù Washington lâu nay khẳng định không nên dỡ bỏ cấm vận cho Iran, nhưng cộng đồng quốc tế đang chờ Mỹ chính thức đẩy mạnh biện pháp này. Ông Hook và Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Kelly Craft trong phiên họp kín vào ngày 24/6 sẽ đưa ra lập luận vì sao 15 thành viên Hội đồng nên ủng hộ dự thảo nghị quyết gia hạn lệnh cấm vận vừa kể.
“Chúng tôi thấy có một khoảng cách ngày càng rộng giữa Nga, Trung Quốc với cộng đồng quốc tế,” ông Hook nói trong cuộc phỏng vấn với Reuters tối 23/6.
“Nga và Trung Quốc đã bị cô lập tại Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế IAEA tuần rồi và họ sẽ bị cô lập tại Hội đồng nếu họ tiếp tục đi theo con đường ảo tưởng này,” ông Hook nhấn mạnh.
Thành viên hội đồng quản trị IAEA gồm 35 nước ngày 19/6 kêu gọi Iran cho phép cơ quan giám sát hạt nhân Liên hiệp quốc tiếp cận hai vị trí tình nghi có những hoạt động vũ khí hạt nhân và hợp tác toàn diện. Đồng minh Nga và Trung Quốc của Iran chống động thái này nhưng không thể ngăn chặn, trong khi tại Hội đồng Bảo an họ có quyền phủ quyết.
Một nghị quyết của Hội đồng cần 9 phiếu thuận và không có phiếu phủ quyết từ Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh hay Pháp để được thông qua.
Trước đây trong tháng, Tổng thống Iran Hassan Rouhani kêu gọi Nga và Trung Quốc chống lại thúc đẩy của Washington, cam kết “tăng cường khả năng quốc phòng của chúng ta như chúng ta đã làm ngay cả bị chế tài.”
‘Giới hạn rõ rệt’
“Gia hạn lệnh cấm vận vũ khí là chuyện đúng và cần thiết phải làm và mỗi thành viên của Hội đồng Bảo an biết chuyện này dù họ nói công khai hay không,” ông Hook nói.
“Cấm vận không ngăn được tất cả việc chuyển vũ khí của Iran, nhưng lệnh cấm xuất khẩu và nhập khẩu đã hữu hiệu trong việc lập ra những giới hạn rõ ràng lên cách hành xử của Iran,” ông nói.
Hoa Kỳ luân chuyển dự thảo nghị quyết ngày 22/6 sau khi Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres báo cáo cho Hội đồng rằng phi đạn hành trình sử dụng trong vài cuộc tấn công vào các cơ sở dầu mỏ và một phi trường quốc tế tại Ả Rập Xê-Út trong năm ngoái “có nguồn gốc Iran.”
Nếu Mỹ không thành công trong việc gia hạn cấm vận, Washington đã dọa kích hoạt trở lại tất cả những chế tài của Liên hiệp quốc đối với Iran theo một tiến trình nhất trí trong thỏa thuận hạt nhân 2015 dù rằng Mỹ rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018.
Một động thái như vậy sẽ giết chết thỏa thuận hạt nhân mà Hoa Kỳ và các nước khác trong năm 2015 đã ca ngợi là con đường ngăn tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân của Tehran, và các nhà ngoại giao cho rằng Washington sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn tại Hội đồng.
Iran đã vi phạm một phần của thỏa thuận hạt nhân 2015 để đáp trả việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt những chế tài đối với Iran.
Ngày 24/6, ông Rouhani tuyên bố Tehran sẵn sàng đàm phán với Mỹ nếu Washington xin lỗi vì đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và bồi thường cho Tehran.
“Chúng tôi vui vẻ thảo luận với họ khi thời điểm chín mùi, nhưng các điều kiện gợi ý rằng chúng ta trao cho họ một số tiền lớn để họ có thể bảo trợ cho khủng bố trên toàn thế giới là chuyện lố bịch,” Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố ngày 24/6.