Myanmar ký hiệp ước ngưng bắn với 8 nhóm vũ trang

Tổng thống Myanmar Thein Sein bắt tay với các nhà lãnh đạo của các nhóm sắc tộc vũ trang tại Naypyidaw.

Hôm nay, Myanmar ký hiệp ước ngưng bắn với 8 nhóm vũ trang, nhưng các phần tử nổi dậy đáng kể khác chống lại chính phủ đã từ chối không ký hiệp ước. Thông tín viên Steve Herman gửi về bài tường thuật từ văn phòng Đông Nam Á của đài VOA ở Bangkok.

Tại buổi lễ ký kết ở thủ đô Naypyidaw của Myanmar, Tổng thống Thein Sein ca ngợi thỏa thuận ngưng bắn toàn quốc như một món quà lịch sử dành cho các thế hệ tương lai.

Tổng thống Miến Điện nói: “Hàng chục ngàn binh sĩ của cả hai bên đã bỏ mình trong các vụ xung đột. Hàng trăm ngàn người sống trong các vùng xung đột đã gánh chịu nhiều đau khổ vì cuộc chiến.”

Thừa nhận người sắc tộc Kachin và Wa, với hàng chục ngàn binh sĩ, vẫn còn kiên quyết chiến đấu, tổng thống cam kết “cố gắng hơn nữa để đạt được thỏa thuận với các nhóm khác.”

Khoảng 40 phần trăm dân số Myanmar – tức Miến Điện, là người thuộc các nhóm sắc tộc, nhiều nhóm từ lâu đã đòi nắm quyền kiểm soát các tài nguyên thiên nhiên trong các phần đất của họ.

Tại buổi lễ, người đứng đầu Liên đoàn Sắc tộc Karen, còn gọi tắt là KNU, ông Saw Mutu Say Poe, đã đưa ra lời khuyến nghị với quân đội Myanmar đầy thế lực

Ông yêu cầu quân đội sử dụng “đối thoại thay vì vũ lực” để thuyết phục các nhóm khác buông khí giới.

Có lẽ KNU là bên đáng kể nhất ký tên vào hiệp ước và đã từng chống lại quân đội 60 năm nay.

Theo các điều khoản ngưng bắn – không nhất thiết phải giải trừ vũ khí – đối thoại chính trị sẽ bắt đầu trong vòng 90 ngày.

Phải mất 2 năm thương lượng mới đưa được 8 nhóm nổi dậy vào cuộc. Những nhóm ký tên vào hiệp ước chủ yếu tập trung dọc theo biên giới Myanmar giáp ranh Thái Lan.

Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói hiệp ước là “một bước thiết yếu trong một tiến trình lâu dài xây dựng một nền hòa bình lâu dài và chính đáng ở Miến Điện. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng bày tỏ những quan ngại về tin tức nói về “các cuộc tấn công quân sự liên tục ở các bang Kachin và Shan cùng với tình trạng các cơ quan nhân đạo không đến được với hơn 100.000 người bị thất tán trong nước ở các khu vực đó.”

Buổi lễ được truyền hình toàn quốc với các đại diện phe nổi dậy mặc trang phục sắc tộc diễn ra chỉ vài tuần lễ trước sự kiện dự kiến sẽ là cuộc tổng tuyển cử khả tín đầu tiên ở Miến Điện từ mấy chục năm nay.

Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ, tức NLD, đảng đối lập do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, theo dự kiến sẽ đạt được thắng lợi đáng kể trong cuộc bầu cử, mặc dầu khôi nguyên giải Nobel hòa bình này bị cấm không được lên làm tổng thống, theo hiến pháp do tập đoàn quân đội cầm quyền soạn thảo.

Bà Aung San Suu Kyi đã không tham dự lễ ký hiệp ước ngưng bắn và trước đây đã từng bày tỏ sự hoài nghi về thỏa thuận.

Trước đây trong tuần, ủy ban bầu cử toàn quốc của Myanmar đã cứu xét chớp nhoáng việc trì hoãn cuộc bầu cử tháng tơi, viện cớ các vấn đề hậu cần vì nạn lụt nghiêm trọng mới đây.

NLD là đảng duy nhất đưa ra lời phản đối, theo các giới chức của đảng, và ủy ban bầu cử loan báo việc bỏ phiếu vẫn được xúc tiến theo lịch đã định. NLD đã chiếm được 80% số ghế tại quốc hội trong cuộc bầu cử năm 1990, nhưng quân đội đã vô hiệu hòa kết quả, và không chịu trao trả quyền hành rồi sau đó còn đặt bà Aung San Suu Kyi trong tình trạng quản thúc tại gia nhiều năm.