Ít nhất 50 người thiệt mạng ở miền trung Myanmar hôm thứ Ba 11/4 trong một cuộc không kích của quân đội đánh vào một sự kiện có mặt nhiều người chống ách cai trị của quân đội, theo truyền thông và các thành viên của phong trào kháng chiến địa phương.
Dẫn lại lời của các cư dân ở vùng Sagaing, đài BBC tiếng Myanmar, đài Á châu Tự do (RFA) và cổng thông tin Irrawaddy đưa tin khoảng 50 đến 100 người, bao gồm cả dân thường, đã thiệt mạng trong vụ tấn công.
Reuters không thể kiểm chứng ngay các bản tin đó, còn người phát ngôn của quân đội cầm quyền đã không trả lời cuộc gọi điện đề nghị họ đưa ra bình luận.
Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ cuộc đảo chính năm 2021, với các cuộc tấn công của các nhóm chiến binh dân tộc thiểu số và các kháng chiến quân chống lại ách cai trị của quân đội. Phía quân đội đáp trả bằng các cuộc không kích và vũ khí hạng nặng, kể cả ở các khu vực dân sự.
Một thành viên của Lực lượng Dân phòng địa phương (PDF), một lực lượng dân quân chống chính quyền, nói với Reuters rằng các máy bay chiến đấu đã bắn vào một buổi lễ được tổ chức để khai trương văn phòng địa phương của họ.
"Cho đến nay, con số thương vong chính xác vẫn chưa xác định được. Chúng tôi chưa thể gom nhặt được hết tất cả các thi thể", thành viên PDF giấu tên cho biết.
Theo Liên Hiệp Quốc, ít nhất 1,2 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa do giao tranh sau đảo chính.
Vụ việc hôm 11/4 có thể là một trong những vụ không kích đẫm máu nhất kể từ khi một máy bay phản lực tấn công một buổi hòa nhạc hồi tháng 10/2022, giết chết ít nhất 50 thường dân, các ca sĩ địa phương và thành viên của một nhóm dân tộc thiểu số có vũ trang ở bang Kachin.
Chính phủ lưu vong ủng hộ dân chủ của Myanmar, Chính phủ Thống nhất Quốc gia, đã lên án vụ tấn công, gọi đây là "một ví dụ nữa về việc (quân đội) sử dụng vũ lực cực mạnh bừa bãi nhằm vào dân thường".
Hồi tháng trước, ít nhất 8 dân thường bao gồm cả trẻ em đã thiệt mạng trong một cuộc không kích vào một ngôi làng ở tây bắc Myanmar, theo một nhóm nhân quyền, các phiến quân dân tộc thiểu số và phương tiện truyền thông.
Quân đội lâu nay vẫn bác bỏ các cáo buộc quốc tế rằng họ phạm tội ác chống lại dân thường và nói rằng họ đang chiến đấu chống "những kẻ khủng bố" quyết tâm gây bất ổn cho đất nước.
Các nước phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền quân sự và mạng lưới kinh doanh rộng lớn của họ nhằm cố gắng cắt giảm nguồn thu và khả năng tiếp cận vũ khí từ các nhà cung cấp chính như Nga.
(Reuters)