Những người ủng hộ nhà lãnh đạo Myanmar bị lật đổ Aung San Suu Kyi đụng độ với cảnh sát hôm thứ Sáu 12/2. Số người tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ trên toàn quốc lên đến hàng trăm nghìn người, bất chấp việc chính quyền nhà binh đề nghị dừng các cuộc tụ tập đông người.
Văn phòng nhân quyền của Liên Hiệp Quốc cho biết đến nay có hơn 350 người, bao gồm cả các công chức, nhà hoạt động và nhà sư, đã bị bắt ở Myanmar kể từ cuộc đảo chính quân sự hôm 1/2, trong đó có một số người phải đối mặt với các cáo buộc hình sự "mập mờ".
Điều tra viên về nhân quyền của LHQ đặc trách Myanmar phát biểu trong một phiên họp đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền ở Geneva rằng ngày càng có nhiều “báo cáo và chứng cứ bằng ảnh” cho thấy lực lượng an ninh đã sử dụng đạn thật để xử lý người biểu tình, như vậy là vi phạm luật pháp quốc tế.
Myint Thu, đại sứ của Myanmar trước LHQ ở Geneva, nói với phiên họp rằng Myanmar không muốn “làm đình trệ quá trình chuyển đổi dân chủ còn mới mẻ ở trong nước” và sẽ tiếp tục hợp tác với quốc tế.
Các cuộc biểu tình chủ yếu là ôn hòa hôm thứ Sáu 12/2 là đợt biểu tình lớn nhất cho đến nay và diễn ra một ngày sau khi Washington áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các tướng lĩnh đứng đầu cuộc tiếm quyền.
Ba người bị thương khi cảnh sát bắn đạn cao su để giải tán đám đông hàng chục nghìn người ở thành phố miền đông nam Mawlamyine, một quan chức Hội Chữ thập đỏ Myanmar nói với Reuters.
Các bác sĩ cho biết họ không hy vọng cô gái 19 tuổi bị bắn trong cuộc biểu tình ở thủ đô Naypyitaw hôm 9/2 có thể sống sót. Các nhân chứng cho biết cô đã bị bắn vào đầu bằng đạn thật.
Tại thành phố lớn nhất Yangon, hôm 12/2, hàng trăm bác sĩ mặc áo choàng blouse trắng đã diễu hành qua chùa vàng Shwedagon, địa điểm Phật giáo linh thiêng nhất của đất nước, trong khi ở một nơi khác của thành phố, những người hâm mộ bóng đá mặc quần áo thi đấu và diễu hành với những tấm biểu ngữ hài hước lên án quân đội.
Các cuộc biểu tình khác đã diễn ra ở thủ đô Naypyitaw, thị trấn ven biển Dawei, và ở Myitkyina, thủ phủ của bang Kachin ở miền bắc.
Mạng xã hội khổng lồ Facebook cho biết họ sẽ giảm hiển thị các nội dung do quân đội Myanmar đăng. Hãng Facebook nói rằng giới nhà binh "tiếp tục phát tán thông tin sai lệch" sau khi tiếm quyền.
Cùng lúc Washington công bố các lệnh trừng phạt, các nhà lập pháp thuộc Liên hiệp châu Âu hôm 11/2 kêu gọi các quốc gia của họ cũng cần hành động, còn Anh cho biết họ đang xem xét các biện pháp trừng phạt đối với các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính.
Những người ủng hộ Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi hoan nghênh các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ nhưng cho rằng cần phải có hành động cứng rắn hơn nữa.