Mỹ, Trung Quốc tiếp tục bất đồng về vấn đề chế tài Bắc Triều Tiên

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp Thủ tướng Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh, ngày 16/5/2015.

Trong chuyến viếng thăm Nam Triều Tiên hôm thứ hai, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry cho biết Trung Quốc đang xem xét tới việc ủng hộ các biện pháp chế tài mới đối với Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, các nhà phân tích nói với thông tín viên Brian Padden của đài VOA ở Seoul rằng họ không tin Bắc Kinh sẽ áp dụng những biện pháp trừng phạt có thể gây bất ổn trên bán đảo Triều Tiên.

Sau các cuộc họp với các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh và Seoul, Ngoại trưởng Kerry đã mạnh mẽ chỉ trích Bình Nhưỡng về việc tiếp tục theo đuổi vũ khí hạt nhân. Ông cũng đả kích lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un là một người tàn bạo sau khi có tin nói rằng ông này đã ra lệnh dùng súng phòng không để xử tử một số quan chức cấp cao, kể cả Bộ trưởng Quốc phòng Hyon Yong Chol.

Ông Kerry cho biết Bắc Kinh chia sẻ những mối quan tâm và sự bất bình của Washington trong lúc tìm cách thuyết phục chế độ Kim Jong Un quay lại với cuộc đàm phán quốc tế nhằm chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của họ. Quan trọng hơn nữa, ông cho biết các giới chức Hoa Kỳ và Trung Quốc đang thảo luận về việc áp dụng những biện pháp chế tài mới đối với Bắc Triều Tiên. Ông cũng bày tỏ sự tin tưởng là Bắc Kinh sẽ ủng hộ một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để đưa chế độ Kim Jong Un ra trước Toà án Hình sự Quốc tế vì những vụ vi phạm nhân quyền, nếu Bình Nhưỡng không nhanh chóng thay đổi cung cách hành xử.

Giáo sư John Delury, một chuyên gia về Trung Quốc và Bắc Triều Tiên của Đại học Yonsei ở Seoul, cho rằng các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh có lẽ chia sẻ những mối quan tâm của ông Kerry nhưng họ không ủng hộ cho việc gia tăng sức ép đối với Bình Nhưỡng.

"Nó làm cho tôi nghi ngại khi chúng ta nghe thấy các giới chức Mỹ nói thay cho Bắc Kinh là Trung Quốc muốn có thêm các biện pháp chế tài hay là họ sẽ đưa ra những cơ chế mới có tính chất cứng rắn để chống lại Bình Nhưỡng, thay vì Trung Quốc tự nói ra điều đó."

Tuy Trung Quốc là đối tác thương mại chính và là nước cung cấp viện trợ lương thực, phân bón và những sự trợ giúp khác cho Bắc Triều Tiên, quan hệ giữa đôi bên lúc nào cũng có một sự nghi ngại lẫn nhau. Mối quan hệ này cũng đã trở nên tệ hơn kể từ khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền vào năm 2011.

Ông Kim Jong Un cho tới nay vẫn chưa đi thăm Bắc Kinh, không giống như thân phụ ông, ông Kim Jong Il, người thường đi thăm Trung Quốc để nêu bật mối liên hệ chặt chẽ giữa hai nước. Và sau khi Bình Nhưỡng tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba vào năm 2013, Trung Quốc đã ủng hộ một số biện pháp chế tài kinh tế chống lại Bắc Triều Tiên.

Ông Nam Kwang Kyu, một nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Á châu của Đại học Triều Tiên, cho biết mặc dầu quan hệ song phương bị căng thẳng nhưng Trung Quốc và Bắc Triều Tiên chưa trở thành hai nước kình địch.

"Trung Quốc mạnh mẽ chống đối những cuộc thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên và ủng hộ các biện pháp chế tài của Liên Hiệp Quốc. Những hành động đó làm cho Bắc Triều Tiên cảm thấy bất mãn đối với Trung Quốc. Nhưng Bắc Triều Tiên vẫn là một nước quan trọng đối với Trung Quốc về mặt quân sự và an ninh, cho nên Trung Quốc không thể hoàn toàn quay lưng lại với Bắc Triều Tiên."

Hai nước có chung đường biên giới dài 1.400 kilo mét và các nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh chống lại việc áp dụng những sự trừng phạt có thể dẫn tới tình trạng hỗn loạn ở Bắc Triều Tiên hoặc làm cho người dân Bắc Triều Tiên ồ ạt kéo sang Trung Quốc lánh nạn.

Trong thập niên 1990, hơn 1 triệu người Bắc Triều Tiên thiệt mạng trong một trận đói phát sinh một phần từ sự quản lý sai trái và hệ thống kiểm soát nghiêm nhặt của nhà nước. Kinh tế Bắc Triều Tiên đã được cải thiện đôi chút trong những năm gần đây nhờ vào một số biện pháp cải cách, nhưng quốc gia Cộng Sản này vẫn chìm ngập trong đói nghèo và suy dinh dưỡng.

Chiến lược của Mỹ mà Ngoại trưởng Kerry trình bày tại Seoul là cô lập giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên trên trường ngoại giao và gia tăng chế tài kinh tế cho tới khi nào Bình Nhưỡng có hành động để ngưng chỉ hoặc tháo dỡ chương trình hạt nhân như một điều kiện để thực hiện lại cuộc đàm phán quốc tế về bình thường hoá quan hệ.

Giáo sư Nam Kwang Kyu cho rằng Trung Quốc không tán thành việc áp dụng những biện pháp nghiêm khắc như vậy.

"Mặc dù Trung Quốc có chung lập trường với Mỹ là chống đối khả năng hạt nhân của Bắc Triều Tiên, nhưng Trung Quốc rõ ràng không ủng hộ lập trường của Mỹ là tăng cường các biện pháp chế tài đối với Bắc Triều Tiên."

Trong khi đó, theo nhận định của Giáo sư Delury, Bắc Kinh ủng hộ việc giảm bớt những điều kiện tiên quyết để mở lại cuộc thương thuyết.

"Họ muốn Bắc Triều Tiên phi hạt nhân hoá nhưng họ không nghĩ rằng chế tài sẽ đưa chúng ta tới mục tiêu đó. Họ nghĩ rằng mọi người, nhất là người Mỹ, nên nói chuyện với Bắc Triều Tiên và đồng thời họ không muốn bán đảo Triều Tiên bị bất ổn."

Trong lúc Trung Quốc và Mỹ đồng ý với nhau là cần thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân, hai nước có những chủ trương khác nhau rất xa về những hành động cần phải thực hiện.