Chính quyền của Tổng thống Mỹ Biden đang trả đũa việc Nga đình chỉ hiệp ước hạt nhân START Mới. Họ thông báo hôm thứ Năm 1/6 sẽ thu hồi visa của các thanh sát viên hạt nhân Nga, từ chối duyệt đơn xin visa đã nộp của các giám sát viên mới và hủy các giấy phép về tiêu chuẩn để máy bay Nga được vào không phận Hoa Kỳ.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay họ thực hiện các bước đó và các bước khác để đáp trả "những vi phạm liên tục" của Nga đối với START Mới, là hiệp ước kiểm soát vũ khí cuối cùng còn lại giữa hai nước. Mỹ và Nga đang mâu thuẫn nghiêm trọng về cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
“Hoa Kỳ cam kết thực thi hiệp ước START Mới đầy đủ và song phương”, bộ nói. “Phù hợp với cam kết đó, Hoa Kỳ đã áp dụng các biện pháp đối trọng hợp pháp để đáp lại những vi phạm liên tục của Liên bang Nga đối với hiệp ước START Mới”.
Bộ cho biết việc thu hồi visa và từ chối duyệt đơn xin visa, cũng như quyết định của Hoa Kỳ ngừng chia sẻ thông tin về tình trạng hoặc vị trí của tên lửa và dữ liệu đo từ xa về các vụ phóng thử với Nga, là phù hợp với luật pháp quốc tế khi xét đến các hành động của Nga.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thông báo cho Nga khi tiến hành các vụ phóng thử, đồng thời Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm rằng các bước mà họ đang thực hiện có thể được đảo ngược với điều kiện Moscow tuân thủ hiệp ước trở lại.
Nga đã đình chỉ việc tham gia START Mới hồi tháng 2 trong một động thái mà Hoa Kỳ cho là “không có giá trị pháp lý”. Ngay sau đó, Moscow đã thu hẹp sự tuân thủ hiệp định.
Cho phép thanh tra các địa điểm vũ khí và cung cấp thông tin về việc bố trí tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa phóng từ tàu ngầm cũng như các vụ phóng thử nghiệm là những thành phần quan trọng của START Mới, đã được Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ký kết vào năm 2010.
Hồi tháng 3, Hoa Kỳ thông báo rằng họ và Nga đã ngừng chia sẻ dữ liệu về vũ khí hạt nhân 6 tháng một lần. Hoa Kỳ đã nói rằng họ muốn tiếp tục chia sẻ như vậy nhưng đã dừng lại sau khi Moscow thông báo cho Washington rằng họ sẽ không chia sẻ dữ liệu của phía họ.
Mặc dù được gia hạn không lâu sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào tháng 1/2021, START Mới gặp thử thách nghiêm trọng vì cuộc chiến của Nga ở Ukraine và rơi vào tình trạng mong manh kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga sẽ không tuân thủ các quy định về phía họ nữa.
Hiệp ước này đặt ra giới hạn là mỗi quốc gia không có nhiều hơn 1.550 đầu đạn hạt nhân được triển khai và 700 tên lửa và máy bay ném bom được triển khai. Thỏa thuận có điều khoản về việc thanh tra trên thực địa để kiểm chứng về sự tuân thủ.
Các cuộc thanh tra không diễn ra vào năm 2020 vì đại dịch COVID-19. Hai bên lẽ ra đã họp bàn về việc nối lại hoạt động đó vào tháng 11/2022, nhưng Nga đã đột ngột hủy bỏ cuộc họp với lý do Hoa Kỳ ủng hộ Ukraine.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay Nga đã được thông báo trước về các biện pháp đối trọng và cũng cho biết là Washington vẫn quan tâm đến việc duy trì hiệp ước.
“Mỹ vẫn sẵn sàng hợp tác mang tính xây dựng với Nga để nối lại việc thực thi Hiệp ước START Mới”, bộ nói.
(AP)