Mỹ thách thức thẩm quyền của Tòa án Thế giới trong vụ trừng phạt Iran

Một phiên làm việc của tòa ICJ.

Hôm 14/9, các luật sư của Hoa Kỳ dự kiến sẽ bác bỏ thẩm quyền của tòa án cao nhất của Liên Hợp Quốc trong vụ kiện của Iran nhằm tìm cách dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Washington đối với Tehran, theo Reuters.

Vào năm 2018, Iran đệ đơn kiện lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), còn được gọi là Tòa án Thế giới, yêu cầu tòa án ra lệnh cho Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran vì cho rằng vi phạm hiệp ước hữu nghị hàng thập kỷ.

Từ trước đến nay Washington vẫn khẳng định rằng mục đích thực sự vụ kiện này của Iran là khôi phục hiệp ước hạt nhân năm 2015 bị chính quyền Tổng thống Donald Trump phản đối, theo Reuters.

Tehran lập luận rằng các biện pháp trừng phạt do Washington áp đặt khi nước này từ bỏ hiệp ước năm 2015 nhằm ngăn chặn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân, vi phạm “Hiệp ước thân hữu” năm 1955, hay thỏa thuận hữu nghị song phương.

Các phiên xử tuần này ở The Hague sẽ chỉ giải quyết vấn đề sơ bộ là liệu tòa án có thẩm quyền xét xử vụ tranh chấp hay không.

ICJ là tòa án cao nhất của Liên Hợp Quốc để giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia. Các phán quyết của tòa này là ràng buộc, nhưng nó không có quyền thực thi, và Hoa Kỳ và Iran đều nằm trong số ít các quốc gia đã phớt lờ các phán quyết của tòa này, theo Reuters.