Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 25/9 gặp lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương tại thượng đỉnh Tòa Bạch Ốc lần thứ nhì chỉ trong hơn một năm, một phần của ‘chiến dịch mê hoặc’ nhằm hạn chế sự xâm nhập sâu hơn của Trung Quốc vào khu vực chiến lược mà Washington từ lâu đã coi là sân sau của mình.
Trước khi chào đón các lãnh đạo, ông Biden tuyên bố Hoa Kỳ công nhận về mặt ngoại giao đối với hai quốc đảo Thái Bình Dương nữa là Quần đảo Cook và Niue.
“Hoa Kỳ cam kết đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, cởi mở, thịnh vượng và an toàn. Chúng tôi dốc lòng hợp tác với tất cả các nước quanh bàn họp này để đạt được mục tiêu đó,” ông Biden tuyên bố tại lễ đón tiếp.
Tổng thống Biden cam kết sẽ làm việc với Quốc hội để cung cấp thêm 200 triệu đô tài trợ cho khu vực nhắm vào các dự án giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chống đánh bắt cá bất hợp pháp và cải thiện sức khỏe cộng đồng, theo loan báo từ phía Mỹ.
Một tuyên bố chung cho biết các bên đã đồng ý tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khác vào năm 2025 và các giao tiếp chính trị hai năm một lần sau đó.
Mỹ muốn giúp các quốc đảo đẩy lùi Trung Quốc
Tổng thống Biden cho biết việc công nhận Quần đảo Cook và Niue là các quốc gia có chủ quyền và độc lập sẽ “cho phép chúng ta mở rộng phạm vi của mối quan hệ đối tác lâu dài này khi chúng ta tìm cách giải quyết những thách thức quan trọng nhất đối với cuộc sống của người dân chúng ta.”
Đại diện của tất cả 18 thành viên trong Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) đều tham dự hội nghị thượng đỉnh này, nhưng không phải tất cả đều ở cấp lãnh đạo.
Thủ tướng Quần đảo Solomon, Manasseh Sogavare, người có mối quan hệ sâu sắc hơn với Trung Quốc, đã không tham dự và một quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho biết Mỹ ‘thất vọng’ vì điều này.
Washington dường như không đạt được tiến bộ nào trong việc cung cấp nguồn tài trợ cơ sở hạ tầng đáng kể và viện trợ mở rộng cho Solomon. Ông Sogavare đã đến thăm Trung Quốc vào tháng 7, công bố một thỏa thuận trị an với Bắc Kinh được xây dựng dựa trên hiệp ước an ninh được ký năm ngoái.
Tòa Bạch Ốc vào năm ngoái cho biết Mỹ sẽ đầu tư hơn 810 triệu đô vào các chương trình mở rộng để viện trợ các đảo Thái Bình Dương.
Fiji hoan nghênh sự hiện diện mạnh mẽ hơn của Mỹ trong khu vực vì giúp Thái Bình Dương ‘an toàn hơn’, nhưng Kiribati, một trong những quốc đảo xa xôi nhất ở Thái Bình Dương, cho biết năm nay họ có kế hoạch nâng cấp một đường băng thời Đệ nhị Thế chiến với sự hỗ trợ của Trung Quốc.
Washington năm nay đã gia hạn các thỏa thuận với Palau và Micronesia, cho phép Mỹ được tiếp cận quân sự độc quyền tới các khu vực chiến lược ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Mỹ chưa đạt được điều tương tự tại Quần đảo Marshall. Đảo quốc này muốn có thêm tiền để giải quyết di sản của vụ thử hạt nhân quy mô lớn của Mỹ vào những năm 1940 và những năm 50.