Mỹ, Taliban kí thỏa thuận rút quân, thách thức chờ đón phía trước

Đặc sứ hòa bình của Mỹ Zalmay Khalilzad (trái) và Mullah Abdul Ghani Baradar, thủ lĩnh chính trị của Taliban, kí thỏa thuận hòa bình giữa Taliban và các quan chức Mỹ ở Doha, Qatar, ngày 29 tháng 2, 2020.

Mỹ đã kí một thỏa thuận với quân nổi dậy Taliban vào ngày thứ Bảy mà có thể mở đường cho việc rút hết binh sĩ nước ngoài khỏi Afghanistan. Nó đánh dấu một bước tiến hướng tới chấm dứt cuộc chiến kéo dài 18 năm ở quốc gia này.

Dù thỏa thuận mở đường để Mỹ dần dần rút khỏi cuộc chiến dài nhất của mình, nhiều người dự liệu các cuộc đàm phán giữa các bên là người Afghanistan có thể phức tạp hơn nhiều, Reuters đưa tin.

Thỏa thuận được kí tại thủ đô Doha của Qatar bởi đặc phái viên Hoa Kỳ Zalmay Khalilzad và thủ lĩnh chính trị Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar, với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hiện diện để chứng kiến buổi lễ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper gọi thỏa thuận này là một bước tiến tốt nhưng chỉ là sự khởi đầu.

“Để đạt được hòa bình lâu dài ở Afghanistan sẽ đòi hỏi sự kiên nhẫn và thỏa hiệp giữa tất cả các bên,” ông Esper, người đã hội kiến Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani ở Kabul, nơi họ công bố một tuyên bố chung song song với hiệp định Hoa Kỳ-Taliban, nói.

Mỹ nói họ cam kết giảm số lượng binh sĩ của mình ở Afghanistan xuống còn 8.600 — từ mức 13.000 binh sĩ hiện tại — trong vòng 135 ngày kể từ ngày kí thỏa thuận và làm việc với các đồng minh để giảm lực lượng liên quân ở Afghanistan một cách tương ứng trong giai đoạn đó, nếu Taliban tuân thủ các cam kết của họ.

Lực lượng của Mỹ và liên minh sẽ rút đi hoàn toàn trong vòng 14 tháng kể từ khi thỏa thuận được kí, nếu Taliban tuân thủ điều khoản thỏa thuận của họ, tuyên bố chung cho biết.

“Chúng tôi đang nỗ lực để cuối cùng kết thúc cuộc chiến dài nhất của Mỹ và đưa binh sĩ của chúng ta về nhà,” Tổng thống Donald Trump nói trong một phát biểu từ Nhà Trắng.

Chính phủ Afghanistan cho biết họ sẵn sàng đàm phán và kết thúc một thỏa thuận ngừng bắn với Taliban, và họ khẳng định sự ủng hộ của họ đối với việc lực lượng Mỹ và liên minh rút quân từng đợt tùy theo sự tuân thủ các cam kết của Taliban.

Họ cũng nói rằng họ vẫn quyết ngăn chặn các nhóm chiến binh sử dụng lãnh thổ của Afghanistan để đe dọa an ninh của Mỹ, các đồng minh và các quốc gia khác.

Cuộc chiến, đã giết chết hàng chục ngàn người, bắt đầu khi Mỹ phát động các cuộc tấn công nhắm vào Afghanistan chỉ vài tuần sau các vụ tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001 nhắm vào New York và Washington mà nhóm chủ chiến al Qaeda đóng ở Afghanistan thực hiện.

Washington cáo buộc Taliban chứa chấp al Qaeda và thủ lĩnh Osama bin Laden. Cùng với các đồng minh, Mỹ lật đổ nhóm này khỏi quyền lực. Nhưng Taliban vẫn là một thế lực hùng mạnh và hiện đang kiểm soát khoảng 40% lãnh thổ Afghanistan.

Bước tiếp theo sẽ là các nhà đàm phán vạch ra một thỏa thuận hưu chiến toàn diện và việc quản trị đất nước trong tương lai.

Các quan chức và chuyên gia nói rằng điều này sẽ đặt ra những thách thức nghiêm trọng vì chính phủ Afghanistan cho đến nay đã bị gạt ra ngoài lề, Reuters cho biết.