Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Tư 22/3 rằng cường quốc này sẽ công bố thêm các biện pháp trừng phạt đối với các pháp nhân bên trong Myanmar vào những ngày tới, theo Reuters.
Phát biểu với các phóng viên ở Jakarta, Cố vấn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Derek Chollet cho rằng các biện pháp trừng phạt sẽ khiến chính quyền quân quản Myanmar gặp khó khăn hơn trong việc tạo ra nguồn thu để mua vũ khí.
“Chúng tôi cam kết tăng cường áp lực lên chính quyền quân sự và khiến họ khó tạo ra nguồn thu hơn, hiện đang hỗ trợ cho cỗ máy chiến tranh của họ vận hành”, ông Chollet nói, đồng thời cho biết thêm rằng Myanmar “đang trên con đường trở thành một quốc gia thất bại ở ngay giữa Đông Nam Á”.
Quân đội Myanmar lật đổ một chính phủ dân cử vào năm 2021 và kể từ đó đã tiến hành một cuộc đàn áp chết chóc nhằm vào những người bất đồng chính kiến, khiến đất nước chìm trong hỗn loạn.
Trong thời gian vừa qua, Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác công bố một loạt biện pháp trừng phạt nhắm vào các thành viên chính quyền quân sự, các cơ quan của chính phủ quân sự và các công ty do quân đội điều hành, nhằm hạn chế khả năng huy động tiền của họ.
Ông Chollet cho biết đến nay Hoa Kỳ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 80 cá nhân và hơn 30 pháp nhân bên trong Myanmar.
Ông nói rằng để tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột Myanmar, Nga phải ngừng cung cấp thiết bị quân sự cho chính quyền quân quản này.
“Một cách có thể xảy ra là nếu chính quyền quân sự không còn khả năng nhập khẩu vũ khí và chúng tôi sẽ thực hiện một bước rất lớn theo hướng đó nếu Nga ngừng cung cấp vũ khí cho Myanmar”, ông Chollet nói.
Ông Chollet kêu gọi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không chấp nhận cho các nhà cầm quyền quân quản Myanmar có đại diện chính trị tại tất cả các cuộc họp của khối này.
“Chế độ đó cần phải hiểu đầy đủ rằng nếu như họ vẫn còn tiếp tục thực hiện một chiến dịch tàn bạo như vậy chống lại chính người dân của họ thì họ sẽ phải gánh chịu hậu quả vì điều đó -- và điều đó sẽ bao gồm sự cô lập hơn nữa trong cộng đồng quốc tế”.
ASEAN hiện cấm các nhà lãnh đạo quân sự tham dự các cuộc họp cấp cao, nhưng lại từ chối áp đặt các biện pháp trừng phạt và phản đối việc loại Myanmar khỏi khối ASEAN gồm 10 thành viên.