Nhà chức trách Mỹ đang tập trung vào vùng Nam California trong cuộc truy lùng một người từng là nhà hoạt động nhân quyền bị cáo buộc cầm đầu một vụ chiếm quyền kiểm soát đầy bạo lực Đại sứ quán Triều Tiên ở Tây Ban Nha, theo lệnh bắt giữ liên bang được công bố vào ngày thứ Sáu.
Adrian Hong Chang đang bị Tây Ban Nha truy nã liên quan đến vụ đột kích đại sứ quán vào tháng 2, nhưng luật sư của ông lên án Bộ Tư pháp Mỹ tìm cách bắt giữ và dẫn độ ông dựa trên “những tường thuật rất không đáng tin cậy của các nhân chứng chính phủ Triều Tiên.”
Lệnh bắt giữ, dẫn thông tin từ nhà chức Tây Ban Nha, mô tả Hong Chang là chủ mưu của một cuộc đột kích bao gồm bảy cá nhân tại Đại sứ quán Triều Tiên ở Madrid vào ngày 22 tháng 2 mà khởi đầu với việc Hong Chang đóng giả là một doanh nhân đến thăm.
Ông ta và sáu kẻ xâm nhập, mang theo dao, thanh sắt, dao rựa và súng lục giả, sau đó xông vào đại sứ quán, khống chế và đánh đập tham tán và một số nhân viên khác và cầm giữ họ vài giờ trước khi đào thoát khỏi khu nhà, theo lệnh bắt giữ.
Họ bỏ trốn với thiết bị máy tính và một chiếc điện thoại di động bị đánh cắp từ đại sứ quán, mà Hong Chang, còn lấy tên là Adrian Hong, giao nộp vài ngày sau đó cho FBI ở New York sau khi quay trở lại Mỹ, lệnh bắt giữ nói.
Một tòa án tư pháp Tây Ban Nha cho biết vào đầu tuần này rằng FBI sau đó đã trao tài liệu này cho nhà chức trách Tây Ban Nha và Tây Ban Nha đã trả lại cho phái bộ của Bình Nhưỡng ở Madrid.
Vụ việc tại đại sứ quán xảy ra vào một thời điểm nhạy cảm, chỉ vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un. Hội nghị đổ vỡ mà không đạt được thỏa thuận nào về chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Bộ Ngoại giao Triều Tiên lên án vụ việc là một “cuộc tấn công khủng bố nghiêm trọng” và dẫn tin đồn rằng FBI phần nào đứng đằng sau cuộc đột kích. Bộ Ngoại giao Mỹ nói Washington không dính dáng gì tới vụ này.