Mỹ quan ngại về bản án của Phương Uyên và Nguyên Kha

Hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha

Your browser doesn’t support HTML5

Bấm vào đây để nghe bài tường thuật

​Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại về các bản án tù Việt Nam vừa tuyên phạt hai nhà hoạt động trẻ vì các hoạt động chống Trung Quốc, kêu gọi tự do-dân chủ, và phản đối chế độ cai trị độc tài.

Hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha bị tuyên án lần lượt là 6 và 8 năm tù giam hôm 16/5 tại Long An về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”.

Việt Nam nói Uyên và Kha xuyên tạc chính sách của đảng và nhà nước về vấn đề tôn giáo, đất đai, biên giới-chủ quyền, và kích động dân chúng chống lại đảng và nhà nước.

Tuyên bố đăng trên website của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam hôm 17/5 nêu rõ các bản án này là một phần trong xu hướng đáng quan ngại của nhà chức trách Việt Nam dùng các tội danh trong luật về an ninh quốc gia để bỏ tù những người chỉ trích chính phủ chỉ vì họ bày tỏ quan điểm chính trị một cách ôn hoà.

Hoa Kỳ nhấn mạnh những việc làm của Hà Nội trái với quyền tự do ngôn luận và trái với các nghĩa vụ của Việt Nam trong khuôn khổ Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị cũng như các cam kết thể hiện trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.

Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho những tù nhân lương tâm như Uyên và Kha và cho phép tất cả người dân Việt Nam được bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hoà.

Trước đó, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế Human Rights Watch nói bản án Hà Nội trừng phạt Uyên và Kha, những người thực thi quyền tự do ngôn luận, “thật sự gây căm phẫn”.

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á thuộc Human Rights Watch


Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á thuộc Human Rights Watch:

“Bản án này cho thấy sự phá sản của thành tích nhân quyền Hà Nội. Trong khi nhà cầm quyền Việt Nam nói họ hành xử theo luật pháp và tôn trọng nhân quyền thì các bản án này chứng tỏ họ chỉ hành xử theo quyền lợi của đảng cộng sản cầm quyền, bất chấp quyền căn bản của con người bị chà đạp.”

Human Rights Watch cho biết sẽ tiếp tục nêu các bản án này ra trước công luận quốc tế để đánh động sự quan tâm hơn nữa của thế giới về tình hình nhân quyền Việt Nam và có hành động thích ứng giữa lúc Hà Nội đang nỗ lực tìm một ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.

Bản án này cho thấy sự phá sản của thành tích nhân quyền Hà Nội. Trong khi nhà cầm quyền Việt Nam nói họ hành xử theo luật pháp và tôn trọng nhân quyền thì các bản án này chứng tỏ họ chỉ hành xử theo quyền lợi của đảng cộng sản cầm quyền, bất chấp quyền căn bản của con người bị chà đạp
Phil Robertson
Phản hồi về bản án dành cho Uyên và Kha và phản ứng của công luận trước cách hành xử của nhà cầm quyền Việt Nam, anh trai của Đinh Nguyên Kha, ông Đinh Nhật Uy nói với VOA Việt ngữ:

“Gia đình cực lực lên án, phản đối bản án cực kỳ vô lý và quá nặng nề đối với hai sinh viên Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên. Những sự phản hồi của đồng bào trong và ngoài nước và các cơ quan đại diện như đại sứ quán của Mỹ tại Việt Nam lên án về các bản án sai trái càng cho thấy những việc xử đó càng làm tăng thêm sự căm phẫn của người dân nếu chính quyền cứ tiếp tục xử án vô lý như vậy.”

Người nhà và luật sư của Uyên và Kha cho biết trong lời phản biện tại tòa, hai thanh niên này nói không có mục đích chống nhà nước CHXHCN Việt Nam và khẳng định họ là những người trẻ yêu nước, phẫn uất trước các chính sách của đảng cộng sản Việt Nam và hành động xâm lược của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Anh trai của Nguyên Kha cho biết:

Tại phiên tòa hôm qua, Kha rất chững chạc và rất vững tâm với quan điểm của mình. Kha nói Kha không hề chống phá, nói xấu, hay chống lại dân tộc, đất nước Việt Nam, cho nên Kha không phạm tội ‘tuyên truyền chống phá nhà nước Việt Nam’. Kha chỉ trước tiên là chống Trung Quốc, thứ hai là chống đảng cộng sản. Kha nói trong luật không ghi chống đảng cộng sản là có tội. Bởi vì thế, Kha nói là Kha không có tội. Kha và Uyên tại tòa dõng dạc nói theo suy nghĩ của bản thân mình. Tôi thấy hoàn toàn khác biệt với các đoạn video trước đó mà đài truyền hình của nhà nước Việt Nam đã đăng tải.”

Uyên và Kha bị cáo buộc treo biểu ngữ và rải truyền đơn chống đảng cộng sản Việt Nam và chống Trung Quốc xâm lược.

Luật sư Nguyễn Thanh Lương diện pháp lý của Phương Uyên

Đại diện pháp lý của Phương Uyên, luật sư Nguyễn Thanh Lương, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Bến Tre, cho rằng truy tố Uyên và Kha theo điều 88 “tuyên truyền chống nhà nước” vì các hoạt động bị cáo buộc là “phỉ báng đảng cộng sản” và chống Trung Quốc là không thể chấp nhận.

Mẹ Phương Uyên cho biết tại tòa, Uyên khai nhận cô dùng máu viết hai biểu ngữ “Tàu khựa cút khỏi Biển Đông”“Đi chết đi đảng cộng sản” khi sự căm phẫn Trung Quốc xâm chiếm Việt Nam lên đến tột cùng.

Bà Nguyễn Thị Nhung, mẹ Phương Uyên:

“Lời cuối cùng Uyên nói: ‘Tôi là một sinh viên, là đại diện cho tầng lớp trí thức, sức mạnh của đất nước, tôi mong muốn phiên tòa hôm nay xét xử công bằng để tôi sớm được trở về với cộng đồng, tiếp tục cống hiến cho đất nước và thể hiện lòng yêu nước.’ Uyên chỉ nói vậy thôi chứ không xin xỏ gì hết. Và cháu đã nói lên tất cả những uẩn khúc trong vụ án và thể hiện lòng yêu nước. Phiên tòa hôm nay, bản án hôm nay rõ ràng là bản án dành cho người yêu nước. Trước tòa, Uyên nói dõng dạc: ‘Tôi yêu nước, tôi thể hiện lòng yêu nước. Tôi không ngờ tôi bị bỏ tù vì thể hiện lòng yêu nước.’ Gia đình rất lấy làm vinh dự, vinh hạnh về những việc con mình đã làm.”

Tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 Bộ Luật Hình Sự có hình phạt tối đa lên tới 20 năm tù giam. Giới bảo vệ nhân quyền nói tội này thường được dùng để đối phó với những người có quan điểm bất đồng với nhà nước tại quốc gia độc tài do một đảng cộng sản cai trị ở Việt Nam. Đảng cộng sản Việt Nam cấm mọi tranh luận về chính trị.

Hàng chục nhà hoạt động đã bị tống giam kể từ cuối năm 2009 khi Việt Nam khởi sự chiến dịch mới trấn áp quyền tự do ngôn luận.

Chỉ trong năm nay, ít nhất 38 nhà hoạt động mà nhiều người trong số này là các blogger, các nhà báo tự do, đã bị kết án vì các hoạt động bị cho là “chống nhà nước” theo các điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia như 79 “âm mưu lật đổ chính quyền” hay 88 “tuyên truyền chống phá nhà nước”.