Các đặc sứ của Mỹ, Nam Triều Tiên và Nhật Bản hôm nay gặp nhau tại Seoul để bàn về cách ứng phó với việc Bắc Triều Tiên tiếp tục phát triển chương trình vũ khí hạt nhân. Theo tường thuật của thông tín viên Brian Padden của đài VOA tại thủ đô của Nam Triều Tiên, các đồng minh của Mỹ trong khu vực muốn gia tăng áp lực đối với Bắc Triều Tiên, nhưng họ cũng muốn tiếp tục có sự ủng hộ của Trung Quốc và Nga để làm cho bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân.
Sau cuộc họp với Đặc sứ Nam Triều Tiên Hwang Joon Kook và Đặc sứ Nhật Bản Junichi Ihara, Đại diện Đặc biệt của Mỹ về Bắc Triều Tiên, ông Sung Kim, bày tỏ những sự quan tâm đối với việc Bắc Triều Tiên mới đây tuyên bố họ đã thử nghiệm thành công một phi đạn phóng từ tàu ngầm và chế tạo một đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để có thể gắn vào phi đạn.
"Tôi không muốn bình luận về các vấn đề tình báo, nhưng tôi nghĩ rằng bất kể những việc đó là như thế nào đi nữa thì chúng tôi cũng hết sức quan tâm về việc Bắc Triều Tiên tiếp tục theo đuổi những khả năng như vậy. Tôi nghĩ rằng ý định của họ rất rõ ràng và chúng ta nên quan tâm."
Những lời tuyên bố của Bắc Triều Tiên chưa được kiểm chứng một cách độc lập và nhiều nhà phân tích nói rằng Bình Nhưỡng phải mất nhiều năm nữa mới có thể triển khai các hệ thống vũ khí mới đó.
Mặc dầu vậy, các tuyên bố của Bình Nhưỡng chứng tỏ nước này đang tiến tới mục tiêu phát triển khả năng tấn công lục địa nước Mỹ và những nơi khác trên thế giới bằng vũ khí hạt nhân, bất chấp những sự hạn chế do Liên Hiệp Quốc áp đặt và những biện pháp chế tài của cộng đồng quốc tế.
Hồi trung tuần tháng này Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry cho biết việc mở lại cuộc đàm phán giữa Bắc Triều Tiên với Nam Triều Tiên, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga và Trung Quốc vẫn còn rất xa vời. Cuộc đàm phán 6 bên, với mục tiêu là Bắc Triều Tiên tháo dỡ chương trình hạt nhân để đổi lấy sự trợ giúp kinh tế vào bảo đảm an ninh, đã bị đổ vỡ từ năm 2008.
Ngày hôm nay, các vị đặc sứ của Mỹ, Nam Triều Tiên và Nhật Bản đồng ý với nhau rằng cách duy nhất để tiến tới là gia tăng áp lực đối với Bắc Triều Tiên thông qua việc tăng cường sự chấp hành các biện pháp chế tài hiện có và có thể sẽ áp dụng thêm những sự hạn chế.
Đặc sứ Nam Triều Tiên Hwang Joon Kook cảnh báo Bắc Triều Tiên là “sự cô lập ngoại giao và kinh tế” của họ sẽ gia tăng nếu họ tiếp tục theo đuổi đường lối hiện nay.
Đặc sứ Nhật Bản Junichi Ihara cho biết có một cảm nhận chung tại cuộc họp ba bên là phải gấp rút đối phó với mối đe dọa mỗi lúc một tăng của Bắc Triều Tiên.
Đặc sứ Sung Kim nói rằng có một điều quan trọng là Trung Quốc và Nga tiếp tục ủng hộ cho cách giải quyết mà Washington, Seoul và Tokyo lực chọn. Ông cho biết ông sẽ nói rõ điều đó khi ông gặp Đặc sứ Vũ Đại Vĩ của Trung Quốc tại Bắc Kinh vào ngày mai.
"Tôi dự kiến sẽ có một cuộc tham khảo ý kiến đầy đủ với Đại sứ Vũ vào ngày mai về việc Trung Quốc sẽ giao tiếp như thế nào với Bắc Triều Tiên để đưa Bắc Triều Tiên tới những cuộc thương lượng thật sự và khả tín."
Ngoại trưởng Kerry cho biết lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã bác bỏ những đề nghị của Trung Quốc và Nga. Cả hai nước này ủng hộ những biện pháp chế tài của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba vào năm 2013.
Tuy nhiên, Bắc Kinh không muốn gây thêm sức ép đối với Bình Nhưỡng vì e rằng điều đó làm gia tăng sự bất ổn và khả năng xảy ra xung đột trong khu vực.
Mặc dầu vậy, có tin cho biết Trung Quốc trong thời gian gần đây đã cảm thấy lo ngại nhiều hơn đối với sự ương ngạnh của ông Kim Jong Un, và theo tiết lộ của Ngoại trưởng Kerry, Bắc Kinh sẵn lòng xem xét tới việc áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.
Bên cạnh vấn đề vũ khí hạt nhân, nhiều người còn quan tâm tới sự bất ổn trong nội bộ của giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên.
Theo Cơ quan Tình báo Quốc gia Nam Triều Tiên, ông Kim Jong Un đã xử tử nhiều quan chức cấp cao từ khi lên nắm quyền năm 2011. Tin tức cho biết cuối tháng tư vừa qua Bộ trưởng Quốc phòng Bắc Triều Tiên Hyong Yong Chol đã bị xử tử công khai bằng súng đại liên bốn nòng tại một trại huấn luyện của quân đội gần thủ đô Bình Nhưỡng vì ngủ gục tại các cuộc duyệt binh.