Hoa Kỳ đã thông báo cho Ấn Độ biết đang cân nhắc đề ra quota cho loại visa đến Mỹ làm việc H-1B đối với các nước ép buộc các công ty nước ngoài lưu trữ dữ liệu ở địa phương, ba nguồn thạo tin cho Reuters biết.
Chương trình visa phổ biến H-1B hằng năm đưa lao động bậc cao từ nước ngoài vào Mỹ làm việc. Kế hoạch giới hạn chương trình này được tiết lộ chỉ vài ngày trước chuyến công du của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tới thăm New Delhi.
Các công ty như Mastercard và chính phủ Mỹ không hài lòng trước những luật lệ mới của Ấn về lưu trữ dữ liệu. Ấn là nước nhận nhiều visa H-1B nhất, chủ yếu là nguồn lực tại các đại công ty kỹ nghệ.
Cảnh báo của Mỹ được đưa ra trong lúc căng thẳng mậu dịch gia tăng giữa hai nước Mỹ-Ấn đưa tới những hành động áp thuế quan ăn miếng trả miếng trong những tuần gần đây. Từ Chủ nhật, Ấn ban hành thuế cao hơn lên một số hàng hóa của Mỹ, chỉ vài ngày sau khi Washington rút lại một ưu đãi thương mại quan trọng dành cho New Delhi.
Hai giới chức cao cấp trong chính phủ Ấn hôm 19/6 cho Reuters biết tuần rồi họ được thông báo về kế hoạch của chính phủ Mỹ muốn đặt số lượng visa H-1B cấp cho công dân Ấn ở mức từ 10-15% trong tổng số quota dành cho loại visa này hằng năm.
Hiện trong số 85 ngàn visa làm việc H-1B Mỹ cấp hàng năm, không có giới hạn quota đối với từng nước cụ thể và ước tính 70% số visa này rơi vào tay công dân Ấn.
Cả hai giới chức được Reuters dẫn nguồn đều nói rằng kế hoạch này có liên hệ tới chuyện Ấn Độ thúc đẩy ‘địa phương hóa dữ liệu’ mà qua đó họ có thể có được sự kiểm soát tốt hơn về dữ liệu và kìm hãm quyền lực của các công ty quốc tế. Các doanh nghiệp Mỹ lâu nay tích cực vận động chống lại các quy định địa phương hóa dữ liệu trên khắp thế giới.
Muồn nguồn tin biết rõ về các cuộc thương lượng Mỹ-Ấn xác nhận với Reuters rằng Mỹ muốn giới hạn visa H-1B để đáp lại các luật lệ lưu trữ dữ liệu trên toàn cầu và rằng chuyện này không chỉ nhắm mục tiêu riêng Ấn Độ.
Tháng Ba năm nay, Đại diện Thương mại Mỹ nhấn mạnh đến "các cản trở chính đối với thương mại kỹ thuật số", viện dẫn những giới hạn nhắm vào dòng lưu chuyển dữ liệu ở Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam cùng các nước khác.
Ngoại trưởng Mỹ cho biết chính quyền Trump sẽ thúc đẩy dòng dữ liệu tự do xuyên biên giới, không chỉ hỗ trợ cho các công ty Mỹ mà còn để đảm bảo quyền riêng tư cho khách hàng.