Mỹ khuyên Pakistan, Afghanistan không nên chứa chấp phần tử hiếu chiến

U.S. Special Representative for Afghanistan and Pakistan James Dobbins talks to media, in New Delhi, India , Thursday, June 27, 2013

ISLAMABAD — Hoa Kỳ hối thúc Pakistan và Afghanistan tăng cường hợp tác biên giới để chống lại chủ nghĩa cực đoan bạo động lan tràn trong vùng và khuyến cáo hai nước “không nên dùng các phần tử tranh đấu như là một công cụ ngoại giao.” Đặc sứ Hoa Kỳ tại Pakistan và Afghanistan, ông James Dobbins đưa ra nhận định này trong một chuyến viếng thăm Islamabad.

Đặc sứ Mỹ James Dobbins đã có những cuộc thảo luận chi tiết với các nhà lãnh đạo chính trị và quân đội Pakistan, chú trọng phần lớn vào những nỗ lực của Islamabad chống các phần tử hiếu chiến và sự đóng góp của Pakistan vào chiến dịch quốc tế do Hoa Kỳ dẫn đạo nhằm ổn định nước láng giềng Afghanistan.

Nói chuyện trên đài truyền hình nhà nước Pakistan vào tối thứ Sáu, Đặc sứ James Dobbins cho biết là Hoa Kỳ ủng hộ những nỗ lực của Thủ tướng Nawaz Sharif giao tiếp với Taliban tại Pakistan nhằm chấm dứt vấn đề các phần tử hiếu chiến. Ông nói thêm là các nhà lãnh đạo Pakistan cũng cương quyết sử dụng vũ lực nếu cần để đối phó với những thách thức an ninh Pakistan gặp phải:

“Chúng tôi ủng hộ những nỗ lực của Pakistan thiết lập việc cai trị theo luật pháp tại Pakistan để tiêu diệt chủ nghĩa cực đoan bạo động, không chỉ những phần tử cực đoan bạo động tấn công Pakistan, mà cả những phần tử cực đoan bạo động hoạt động trên lãnh thổ Pakistan và tấn công những xã hội láng giềng. Chúng tôi tin là chính phủ Nawaz và quân đội Pakistan cũng cam kết tăng cường hoạt động để giảm bớt và cuối cùng tiêu diệt loại chủ nghĩa bạo động này và chúng tôi nghĩ rằng việc này sẽ rất tích cực đối với việc phát triển tương lai của Afghanistan.”

Pakistan từ lâu bị cáo buộc hỗ trợ cho phe nổi dậy Taliban tại Afghanistan và cho phép lực lượng này sử dụng các vùng đất của Pakistan để tấn công qua biên giới. Tuy nhiên, mới đây Islamabad cáo buộc nhà cầm quyền Afghanistan cho các phần tử hiếu chiến Pakistan ẩn náu và giúp những phần tử này tổ chức những cuộc tấn công bên trong Pakistan. Đặc sứ Dobbins công nhận các phần tử hiếu chiến tại vùng biên giới hai nước là một vấn đề hỗ tương và Hoa Kỳ đang chuẩn bị giúp hai nước giải quyết vấn đề này, thúc đẩy hai nước không nên chính thức hỗ trợ cho các lực lượng chủ chiến.

“Tôi nghĩ tất cả các nước trong vùng cần tránh sử dụng các phần tử tranh đấu như là một công cụ của chính sách chiến lược lâu dài tạo nên những ung nhọt trong xã hội và, đặc biệt trong xã hội Pakistan, hiện đang đe dọa sự tồn vong của đất nước và những định chế dân chủ.”

Đặc sứ Mỹ tránh bình luận trực tiếp về việc Afghanistan không sẵn lòng trong việc chính thức công nhận đường biên giới dài 2500 kilômét với Pakistan có nhiều khe hở với Pakistan như là một đường ranh quốc tế. Ông nói thêm là trong khi hai nước trì hoãn những vấn đề pháp lý lớn hơn liên quan đến biên giới chung cho đến một thời điểm trong tương lai, Kabul nên sẵn sàng ngồi xuống và làm việc với Islamabad để dàn xếp một phương cách xuyên biên giới trật tự hơn, được qui định rõ ràng hơn để giảm bớt những hoạt động của các phần tử hiếu chiến.

Đặc sứ Dobbins nói những mối quan hệ giữa Pakistan và Afghanistan dưới thời Thủ tướng Sharif đã được cải thiện, nhưng ông công nhận là những chỉ trích Islamabad mới đây của Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đã gây nên những va chạm:

“Tiếp tục có những bất bình. Tổng thống Karzai đã chỉ trích Pakistan đồng thời cũng chỉ trích Hoa Kỳ. Tôi nghĩ cả hai ứng cử viên chức vụ Tổng thống Afghanistan có nhiều hy vọng có lẽ là ông Abdullah Abdullah và ông Ashraf Ghani, dù rằng chúng ta vẫn đang chờ kết quả cuối cùng và tôi không muốn có thành kiến đối với những người này, tôi nghĩ cả hai ông sẽ tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với nước Mỹ và cả hai ông cũng sẽ tìm cách cải thiện mối quan hệ với Pakistan.”

Đặc sứ Dobbins nói vai trò của Pakistan thúc đẩy một tiến trình hòa bình và hòa giải với phe Taliban tại Afghanistan vẫn quan trọng. Ông Dobbins nói thêm Taliban không muốn gặp giới lãnh đạo hiện tại Afghanistan nhưng Hoa Kỳ hy vọng là sau cuộc bầu cử Tổng thống Afghanistan và việc giảm bớt sự hiện diện của phương Tây tại Afghanistan, phe nổi dậy sẽ phải đánh giá lại lập trường và quyết định có nên thảo luận với chính phủ tương lai được công nhận và kính trọng rộng rãi hay không.