Một nghiên cứu của Mỹ cho thấy đập thủy điện Sambor của Campuchia do Trung Quốc hỗ trợ sẽ hủy diệt các loài hản sản trên sông Mekong. Các chuyên gia Mỹ ra khuyến cáo dừng dự án này nhưng chính quyền Campuchia vẫn im hơn lặng tiếng.
Hãng tin AP hôm 17/5 dẫn phúc trình của Viện Di sản Thiên nhiên (NHI) có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết dự án đập Sambor dù mang lại lợi ích lớn về điện cho Campuchia nhưng cũng góp phần phá huỷ môi trường sống của các loài thủy sản trên dòng Mekong, nơi sinh kế của hàng triệu người dân.
Các chuyên gia NHI cảnh báo đập Sambor sẽ trở thành rào cản ngăn chặn sự di cư của cá từ Biển Hồ của Campuchia, đồng thời ngăn chặn trầm tích chảy xuống vùng hạ lưu, nơi đất nông nghiệp đồng bằng bị phá hủy do xâm nhập mặn từ nước biển.
Đập Sambor sẽ chặn luồng cá từ Biển Hồ, một chi lưu quan trọng của sông Mekong, trong khi dòng sông này đảm bảo an ninh lương thực cho khoảng 60 triệu người Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.
Thêm vào đó, khoảng 80 con cá heo nước ngọt đang có nguy cơ tuyệt chủng ở sông Mekong có thể bị chết vì các khu vực mà chúng sử dụng để trú ẩn vào mùa khô sẽ bị lấp đầy do đập Sambor bị ngăn gây ra sự tích tụ của trầm tích.
Đập thủy điện Sambor được Công ty Lưới điện Nam Trung Quốc thiết kế, trong đó có một hồ chứa rộng 620 km vuông, khi hoàn thành sẽ là con đập lớn nhất từng được xây dựng trên sông Mekong, vượt qua đập Xayaburi ở Lào, vốn bị các nhà môi trường phản đối trong nhiều năm qua.
Các chuyên gia NHI đã gửi báo cáo cho chính quyền Campuchia vào năm ngoái, trong đó đề xuất ngưng dự án này và xây nhà máy điện năng lượng mặt trời để thay thế thủy điện, nhưng phía Campuchia chẳng hề có phản ứng gì.
Báo The Guardian của Anh nói các chuyên gia Mỹ nhận định dự án Sambor ở tỉnh Kratie thuộc Campuchia là một vị trí "tồi tệ nhất để xây thủy điện" vì có tác hại quá lớn đối với môi trường hoang dã.
Tờ Guardian dẫn lời Thứ trưởng Bộ Năng lượng Campuchia Ith Praing nói: "Đây là một vấn đề nhạy cảm và còn quá sớm để công bố thông tin về dự án Sambor".
Ông Praing cho biết sẽ không có quyết định nào được đưa ra trước cuộc bầu cử tháng 7 tới. Nếu dự án được thông qua, nhà thầu Trung Quốc Hydrolancang International Energy Company có nhiều khả năng được chọn thực hiện dự án thủy điện Sambor.
Your browser doesn’t support HTML5