Mỹ không muốn Nga can thiệp vào Iraq

Chiến đấu cơ của Nga tại căn cứ không quân al-Muthana ở Baghdad, Iraq.

Một người phát ngôn Bộ Ngoại Giao nói Mỹ không muốn thấy Nga chuyển “công thức” của họ ở Syria tới Iraq.

Ông Mark Toner nói như vậy hôm thứ ba, sau khi một nhà lập pháp Nga nói Moscow sẽ xem xét việc nới rộng các cuộc không kích của họ tới Iraq nếu họ nhận được một lời yêu cầu chính thức từ chính phủ Iraq.

Theo hãng thông tấn Interfax của Nga, Chủ tịch Thượng viện Nga, bà Valentina Matviyenko, nói Moscow sẽ xem xét “tính chất thích hợp về mặt chính trị và quân sự” của việc tham gia vào một chiến dịch trên không ở Iraq.

Bà Matviyenko nói như vậy trong một cuộc gặp mặt với các quan chức của Jordan hôm thứ ba. Bà nói thêm rằng Nga chưa nhận được yêu cầu nào từ phía Iraq.

Iraq sẵn sàng xem xét sự tham gia của Nga

Tuần trước, thủ tướng Iraq Haider al-Albadi nói ông sẽ sẵn sàng xem xét việc cho phép Nga tiến hành các cuộc không kích nhắm vào những mục tiêu của nhà nước Hồi Giáo ở nước ông.

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Pháp France 24, ông nói: “Chúng tôi từng trông đợi một liên minh quốc tế và những người Mỹ mang đến sức mạnh lớn trên không để bảo vệ các lực lượng của chúng tôi.” [Nhưng] “Chúng tôi đã không nhận được điều đó.”

Mỹ tìm kiếm vai trò xây dựng hơn nữa từ Nga

Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao, Mark Toner, nói các giới chức của Mỹ muốn thấy Nga đóng một vai trò “xây dựng” trong cuộc chiến chống lại các mục tiêu của Nhà nước Hồi Giáo ở Syria. Ông nói thêm rằng: “phần lớn, chúng tôi chưa nhìn thấy điều đó cho tới lúc này.”

Ông nói Nga chỉ “làm cho cho căng thẳng tăng cao” bằng những vụ không kích nhắm vào các lực lượng đối lập ôn hòa ở Syria.

“Chúng tôi không muốn nhìn thấy công thức y hệt như vậy được chuyển sang Iraq,” ông Toner cho biết.

Mỹ đã chỉ trích Nga vì những cuộc không kích của họ ở Syria, và nói rằng hầu hết các cuộc tấn công đó rõ ràng là không nhắm vào các phiến quân Nhà nước Hồi Giáo. Các quan chức Mỹ nói một số cuộc không kích đã nhắm vào những chiến binh đối lập ở Syria do Mỹ huấn luyện.

Sự can dự tăng cao của Nga tại Syria và sự ủng hộ của họ cho chế độ của Syria cũng đưa Moscow vào thế đối lập với Washington về tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Mỹ đã hô hào cho một cuộc chuyển tiếp chính trị ở Syria mà không có ông Assad.

Liên minh do Mỹ dẫn dầu đã đánh bom các mục tiêu của Nhà nước Hồi Giáo ở Iraq và Syria.

Tuần trước, các quan chức Mỹ và Nga đã tiến hành các cuộc thảo luận “tránh xung đột” trong một nỗ lực để tránh xảy ra những vụ đối đầu quân sự ngoài ý muốn ở Syria.