Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đĩa giấy nhập khẩu từ Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan.
Công báo Liên bang Hoa Kỳ cho biết DOC tiến hành việc điều tra này từ ngày 14/2/2024 để xác định liệu một số đĩa giấy từ ba nước này xuất khẩu vào Hoa Kỳ có vi phạm luật chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC ) của Mỹ hay không.
Trước đó, hôm 26/1/2024, Liên minh Đĩa giấy Hoa Kỳ (APPC), đại diện cho phần lớn hoạt động sản xuất đĩa giấy của Mỹ, kiến nghị DOC và Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) điều tra sản phẩm đĩa giấy được cho là được trợ cấp và định giá không công bằng nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam, theo EIN Presswire.
Các đơn kiện này nêu rõ các hành vi thương mại không công bằng khi ba nước trên xuất khẩu đĩa giấy sang Mỹ “với giá thấp hơn giá trị hợp lý và cáo buộc tỷ lệ bán phá giá lên tới 279%”, cũng như có nhiều khoản trợ cấp.
Các đơn khởi kiện nêu chi tiết những thiệt hại mà ngành đĩa giấy và công nhân của Hoa Kỳ phải gánh chịu. Ông Bill Biggins, Chủ tịch và Đồng sở hữu của công ty Aspen Products, Inc., thành viên APPC, nói: “Hàng nhập khẩu từ các quốc gia này đã sử dụng chiêu bán phá giá và trợ cấp để tiếp tục tăng trưởng tại thị trường Mỹ, gây bất lợi cho các nhà sản xuất và công nhân Mỹ”, vẫn theo EIN Presswire.
Theo đơn kiện của nguyên đơn gồm 6 doanh nghiệp sản xuất đĩa giấy của Mỹ, trong giai đoạn từ tháng 12/2022 đến tháng 11/2023, lượng nhập khẩu sản phẩm bị cáo buộc từ Việt Nam vào Hoa Kỳ là khoảng 3.240 tấn, chiếm khoảng 4,02% tổng lượng nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Trong khi đó, sản phẩm bị cáo buộc từ Trung Quốc chiếm khoảng 73,98% và Thái Lan chiếm khoảng 2,82%.
Theo số liệu của ITC, Việt Nam xuất khẩu loại sản phẩm này có giá trị khoảng 9,3 triệu USD sang Hoa Kỳ trong năm 2022. Trong năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 9 triệu USD.
Theo hồ sơ này, có 9 công ty của Việt Nam bị nêu tên trong đơn kiện mà theo đó DOC sẽ thu thập thông tin để lựa chọn bị đơn bắt buộc.
Về nghi vấn phá giá, mức biên độ phá giá cáo buộc đối với đĩa giấy Việt Nam là 153,09%-165,27%.
Do Hoa Kỳ coi Việt Nam là nước có nền kinh tế phi thị trường, nên DOC sẽ sử dụng các giá trị thay thế của nước thứ ba để tính toán biên độ phá giá cho Việt Nam. Trong vụ việc này, nguyên đơn đề nghị sử dụng Indonesia là nước thay thế do cho rằng Indonesia có mức độ phát triển kinh tế tương đồng với Việt Nam và có số lượng đáng kể các nhà sản xuất sản phẩm đĩa giấy, theo Công báo Hoa Kỳ.
Dự kiến, DOC sẽ ban hành kết luận sơ bộ trong vòng 140 ngày kể từ ngày khởi xướng điều tra vụ việc.
Về cáo buộc trợ cấp, DOC cho rằng đơn yêu cầu của nguyên đơn đã đủ căn cứ để khởi xướng điều tra với 22 chương trình trợ cấp đã bị cáo buộc, gồm các nhóm chương trình sau: nhóm các chương trình ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, nhóm các chương trình miễn thuế nhập khẩu, nhóm các chương trình cho vay và đảm bảo của 4 ngân hàng thương mại cổ phẩn có vốn nhà nước do các ngân hàng này chịu sự can thiệp của chính phủ Việt Nam.
Nhằm ứng phó với cuộc điều tra này, Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công Thương Việt Nam hôm 26/2 khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của vụ việc; chủ động nghiên cứu, nắm vững quy định, trình tự, thủ tục điều tra CBPG và CTC của Hoa Kỳ; hợp tác đầy đủ với Cơ quan điều tra Hoa Kỳ trong suốt quá trình diễn ra vụ việc, theo Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại Việt Nam.
Ngoài ra, Cục Phòng vệ thương mại kêu gọi Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) hỗ trợ, cập nhật thông tin đến các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm bị điều tra.