Mỹ kêu gọi chấm dứt bạo động ở Burundi

Vỏ đạn rơi khắp đường ở Bujumbura, Burundi, ngày 12/12/2015.

Ngoại trưởng Mỹ, John Kerry, kêu gọi tất cả các phe phái ở Burundi ngưng bạo động, thay vào đó, bắt đầu đối thoại để chấm dứt nhiều tháng bất ổn tại đây.

Ông Kerry hôm 13/12 viết trên Twitter rằng hành động sát nhân phải chấm dứt, kể cả ‘các đáp ứng bất xứng của các lực lượng an ninh.’

Trước đó trong ngày 14/12, Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi công dân Hoa Kỳ tránh du lịch tới Burundi và khuyến cáo rằng những ai đang có mặt ở Burundi nên rời khỏi quốc gia này càng sớm càng tốt vì bạo động chính trị tiếp diễn.

Hơn 80 người thiệt mạng hôm 11/12 khi những kẻ tấn công vũ trang đột kích các cơ sở quân đội ở thủ đô Bujumbura. Trong số tử vong có 8 nhân viên an ninh và nhiều kẻ tấn công, theo nguồn tin từ một phát ngôn viên quân đội.

Bất ổn bắt đầu hồi tháng 4 khi Tổng thống tuyên bố sẽ tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ ba. Những người chỉ trích cho rằng Tổng thống vi phạm giới hạn hai nhiệm kỳ theo quy định của Hiến pháp cũng như đi ngược lại thỏa thuận chấm dứt 12 năm nội chiến ở Burundi.

Liên hiệp quốc cho hay tình trạng bạo động kể từ đó đã cướp đi sinh mạng của hơn 240 người và khiến 220.000 người Burundi phải chạy khỏi đất nước. Tổng thống tái đắc cử hồi tháng 7 trong một cuộc bỏ phiếu bị phe đối lập tẩy chay.

Nhóm hoạt động nhân đạo có trụ sở tại Washington mang tên Người tị nạn Quốc tế nói họ quan ngại trước tuyên bố của những người tị nạn Burundi tại Rwanda rằng họ đã được các nhóm vũ trang ở Burundi tuyển dụng.

1/3 người tị nạn Burundi đang tạm trú ở Rwanda, trong đó có 45.000 người đang ở trại Mahama. Báo cáo của tổ chức Người tị nạn Quốc tế dẫn lời các quan chức quốc tế cho hay các nỗ lực tuyển dụng tại Mahama chủ yếu nhắm vào nam giới trưởng thành, nhưng trong một số trường hợp, có cả các trẻ em trong độ tuổi từ 15 tới 17. Vẫn theo phúc trình, những ai từ chối gia nhập các nhóm vũ trang thì bị sách nhiễu.

Tổ chức Người tị nạn Quốc tế kêu gọi Rwanda làm sao phải chấm dứt các hoạt động tuyển dụng này ngay lập tức và phải công khai khẳng định rằng các nỗ lực đó là vi phạm luật quốc gia cũng như luật quốc tế. Tổ chức này cũng muốn Liên hiệp quốc và Liên hiệp Châu Phi ban hành các biện pháp trừng phạt chống lại bất cứ ai vi phạm nhân đạo và quyền dân sự đối với người tị nạn.