Mỹ hỗ hợ tái chiếm Ramadi nhưng nói ‘sẽ khó khăn’

Quân đội Iraq và các chiến binh Shia, bên ngoài thành phố Falluja, pháo đạn súng cối về hướng của nhóm Nhà nước Hồi giáo, 19/5/15

Mỹ hôm thứ Ba cho biết sẽ hỗ trợ một cuộc tấn công mới của những lực lượng bán quân sự nhằm chiếm lại thành phố Ramadi của Iraq từ tay những kẻ chủ chiến Nhà nước Hồi giáo, nhưng thừa nhận rằng "điều này sẽ khó khăn."

Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, Đại tá Steve Warren, cho biết những nỗ lực giành lại thủ phủ của tỉnh Anbar đã trở nên khó khăn hơn khi các lực lượng an ninh của Iraq bỏ lại một phần lớn những thiết bị quân sự của Mỹ khi họ tháo chạy khỏi Ramadi vào lúc đối mặt với cuộc tấn công của những chiến binh Nhà nước Hồi giáo Chủ nhật tuần trước.

Ông Warren nói binh lính Iraq bỏ lại phía sau hàng chục xe quân sự của Mỹ, bao gồm xe tăng, xe bọc thép và những giàn pháo. Ông cho biết một số xe vẫn còn chạy được, những chiếc khác thì không.

Việc Nhà nước Hồi giáo chiếm quyền kiểm soát Ramadi đã dẫn tới những chỉ trích mạnh mẽ nhắm vào chính sách của Tổng thống Barack Obama trong cuộc xung đột Iraq, bao gồm các cuộc không kích nhắm vào quân nổi dậy, nhưng không có cam kết đưa bộ binh Mỹ đến để giúp người Iraq.

Nhưng phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest quy trách cho Quốc hội về việc không cho ông Obama thẩm quyền quân sự mới mà ông đã yêu cầu để tiến hành chiến tranh chống lại Nhà nước Hồi giáo.

Lực lượng dân quân Shia hôm thứ Ba đã tập trung bên ngoài Ramadi chuẩn bị tấn công tái chiếm thành phố này.

Nhà chức trách nói rằng cuộc chiến ở Ramadi đã làm thiệt mạng 500 người.

Ông Sabah Al Karhout Helbusi, người đứng đầu Hội đồng tỉnh Anbar, nói với Ban tiếng Kurdish của VOA hôm thứ Hai rằng một "thảm họa nhân đạo" đang diễn ra trong thành phố.

Một phát ngôn viên của Liên Hiệp Quốc cho biết 6.500 gia đình đã phải tản cư, hầu hết tháo chạy về hướng đông hướng về Fallujah và Khalidiyah. Ông cho biết các cơ quan của Liên Hiệp Quốc và những tổ chức khác đang cung cấp viện trợ, bao gồm thực phẩm, lều và những đơn vị y tế di động.

Nhưng các cơ quan Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng nguồn vật phẩm của họ đang xuống thấp và ngân quỹ đang cạn dần.