Quân đội Hàn Quốc và Mỹ tiến hành các cuộc tập trận phi đạn hiếm thấy và một siêu tàu sân bay của Mỹ được điều động đến phía đông Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng phóng phi đạn qua Nhật Bản, một trong những phản ứng mạnh mẽ nhất của Mỹ-Hàn kể từ năm 2017 đối với một vụ thử vũ khí của Triều Tiên .
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh cáo Triều Tiên có nguy cơ bị lên án và cô lập hơn nữa nếu tiếp tục “các hành động khiêu khích”.
Triều Tiên ngày 4/10 phóng thử một phi đạn đạn đạo tầm trung (IRBM) bay xa hơn trước nay, đi ngang qua Nhật Bản lần đầu tiên sau 5 năm khiến Nhật cảnh báo cư dân tìm nơi trú ẩn.
Washington gọi vụ thử này là “nguy hiểm và liều lĩnh” và quân đội Mỹ cùng các đồng minh đã tăng cường phô trương vũ lực.
Tham mưu trưởng Liên quân của Hàn Quốc ngày 5/10 cho hay quân đội Hàn Quốc và Mỹ đã bắn nhiều loạt phi đạn ra biển và hai nước đồng minh trước đó đã tổ chức một cuộc tập trận ném bom bằng máy bay chiến đấu ở Hoàng Hải.
Tàu sân bay Ronald Reagan, một tàu Hải quân Mỹ ghé Hàn Quốc vào tháng trước lần đầu tiên sau nhiều năm, cũng sẽ quay trở lại vùng biển giữa Hàn Quốc và Nhật Bản với nhóm tàu tấn công gồm các tàu chiến khác. Quân đội Hàn Quốc gọi đây là một động thái “rất bất thường” nhằm thể hiện quyết tâm của hai nước đồng minh trong việc đáp trả bất kỳ mối đe dọa nào từ Triều Tiên.
Phát biểu trong chuyến thăm Chi-lê, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản đang hợp tác chặt chẽ với nhau “để chứng tỏ và tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe của chúng tôi trước mối đe dọa từ Triều Tiên.”
Ông nhắc lại lời kêu gọi của Hoa Kỳ yêu cầu Bình Nhưỡng quay trở lại đối thoại và nói thêm: “Nếu họ tiếp tục đi theo con đường này, điều đó sẽ chỉ làm tăng sự lên án, tăng sự cô lập, tăng các bước được thực hiện để đáp lại hành động của họ.”
Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc sẽ nhóm họp vào ngày 5/10 để thảo luận về vấn đề Triều Tiên theo yêu cầu của Hoa Kỳ, bất chấp việc Trung Quốc và Nga nói với các đồng sự trong hội đồng rằng họ phản đối một cuộc họp mở của hội đồng gồm 15 thành viên. Họ cho rằng phản ứng của hội đồng nên có lợi cho việc xoa dịu tình hình trên Bán đảo Triều Tiên, các nhà ngoại giao nói.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ về Đông Á, Daniel Kritenbrink, trong tuần này đã cáo buộc Trung Quốc và Nga đang khuyến khích Triều Tiên bằng cách không thực thi đúng các lệnh trừng phạt. Ông cho biết việc Triều Tiên nối lại thử vũ khí hạt nhân lần đầu tiên kể từ năm 2017 có khả năng chỉ chờ một quyết định chính trị.
Các quan chức Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã hoàn tất việc chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân và có thể sử dụng vũ khí nhỏ hơn hoặc một thiết bị lớn với năng suất cao hơn so với các cuộc thử nghiệm trước đó.
Phi đạn Hàn quốc thất bại
Quân đội Hàn Quốc xác nhận rằng một trong những phi đạn Hyunmoo-2C của họ đã bị hỏng ngay sau khi phóng và bị rơi trong cuộc tập trận, nhưng không ai bị thương.
Đoạn phim được chia sẻ trên mạng xã hội bởi một người dân gần đó và được Reuters kiểm chứng cho thấy khói và lửa bốc lên từ căn cứ quân sự.
Quân đội Hàn Quốc cho biết vụ cháy là do thuốc phóng phi đạn bốc cháy và đầu đạn không phát nổ. Quân đội xin lỗi vì đã khiến cư dân hoang mang.
Khí tài quân sự bị hỏng không phải là chuyện hiếm thấy và Triều Tiên cũng đã hứng chịu một số vụ phóng phi đạn thất bại trong năm nay. Tuy nhiên, thất bại của Hàn Quốc có thể làm lu mờ nỗ lực của Seoul trong việc chứng tỏ sức mạnh quân sự trước khả năng ngày càng tăng của Triều Tiên.
Hyunmoo-2C là một trong những phi đạn mới nhất của Hàn Quốc và các nhà phân tích cho rằng khả năng của nó như một quả bom phá hầm ngầm chính xác khiến nó trở thành một phần quan trọng trong kế hoạch tấn công Triều Tiên của Seoul trong trường hợp xảy ra xung đột.
Trong thông báo ban đầu về cuộc diễn tập, quân đội Hàn Quốc không đề cập đến vụ phóng Hyunmoo-2C hay thất bại của nó, nhưng các cuộc họp báo sau đó đã bị chi phối bởi các câu hỏi về vụ việc.
Tổng thống Yoon Suk-yeol từng thề quyết rằng việc Triều Tiên bắn phi đạn qua Nhật Bản sẽ dẫn tới phản ứng quyết định từ Hàn Quốc, các đồng minh và cộng đồng quốc tế.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida lên án vụ thử của Triều Tiên bằng “những ngôn từ mạnh mẽ nhất”.
Liên hiệp châu Âu gọi đây là một “hành động liều lĩnh và có chủ ý khiêu khích”.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres lên án vụ phóng và cho rằng đây là hành động vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an.
Đây là phi đạn đầu tiên của Triều Tiên bay theo một quỹ đạo ngang qua Nhật Bản kể từ năm 2017 và chuyến bay ước tính dài 4.600 km là chuyến bay dài nhất trong một vụ thử của Triều Tiên.
Các nhà phân tích và quan chức an ninh cho biết phi đạn vừa phóng có thể là một biến thể của Hwasong-12 IRBM, mà Triều Tiên đã công bố vào năm 2017 như một phần của những gì họ nói là một kế hoạch tấn công vào các căn cứ quân sự của Mỹ tại Guam.
Chính phủ Triều Tiên lẫn truyền thông nhà nước không loan tin về vụ phóng.