Mỹ đã có ảnh hưởng nào ở Việt Nam?

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Nhà thờ Đức Bà ở TPHCM, ngày 14/12/2013.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry trước khi lên đường sang Việt Nam để thảo luận tăng cường quan hệ ngày càng gia tăng giữa hai quốc gia đã đưa ra một thông điệp rõ ràng của chính phủ Mỹ hôm 12/12 trong một đoạn phim ngắn video được đưa lên trên trang Youtube rằng “Việt Nam đã là một quốc gia hiện đại đầy sinh lực… Việt Nam đã và đang là một nước … trên đà chuyển động,” và quan hệ Mỹ-Việt “ngày nay hướng tới tương lai.”

Trước đó hôm 9/12, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã loan báo sau điểm dừng chân tại Jerusalem và Ramallah vào cuối tuần này, Ngoại trưởng Kerry sẽ đến Việt Nam để “làm nổi bật sự chuyển đổi mạnh mẽ trong mối quan hệ song phương” và quan hệ đối tác phát triển của hai nước.

Thông cáo này cho hay đây là chuyến công du Á châu lần thứ tư của ông Kerry từ khi ông nhậm chức Ngoại trưởng 1/2/2013 và đây cũng là lần đầu tiên ông đến Việt Nam trong chức vụ này.

Thông cáo viết: “...Trong chính sách tái cân bằng về châu Á - Thái Bình Dương, Đông Nam Á có tầm quan trọng đặc biệt và chuyến đi của ông Ngoại trưởng tới Việt Nam và Philippines chứng tỏ cam kết lâu dài của Hoa Kỳ cũng như liên hệ cá nhân của ông với khu vực…”; “… Chuyến thăm Việt Nam của ông Ngoại trưởng sẽ nhấn mạnh sự chuyển biến mạnh mẽ trong quan hệ song phương những năm qua và quan hệ đối tác đang lớn mạnh của chúng ta trong nhiều lĩnh vực…” Tại Hà Nội, Ngoại trưởng Kerry sẽ thảo luận với các lãnh đạo Việt Nam “về một loạt các vấn đề song phương và trong khu vực.”

20 năm sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam, Tổng thống Bill Clinton năm 1995 đã chính thức bình thường quan hệ ngoại giao với quốc gia cựu thù này, mở ra một chương sử mới trong quan hệ Mỹ-Việt. Đây là một mối “quan hệ đầy kịch tính” do hệ lụy lịch sử và dường như mối quan hệ này cho đến nay đa phần dựa trên kinh tế đã phải trải qua một giai đoạn “biến đổi mạnh mẽ” -- khởi đầu qua việc ký kết Hiệp định Thương mại song phương năm 2001, đến năm 2006 khi các doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ ủng hộ những nỗ lực của Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và gần đây với dự kiến Việt Nam sẽ tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) một công cụ của chính sách “xoay trục” Á châu của Hoa Kỳ, và Thông cáo chung của Tổng thống Obama cùng Chủ tịch Trương Tấn Sang về “Quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ” vừa mới thiết lập hôm 25/7 -- là trọng tâm của chuyến công du của Ngoại trưởng Kerry đến Hà Nội.

Tuy nhiên, theo một số nhà quan sát thì mối quan hệ này chỉ là mối quan hệ một chiều vì gần 20 năm nay từ khi Hoa Kỳ nối lại bang giao với Việt Nam, rất ít tiến bộ đã đạt được trong các lĩnh vực căn bản về các quyền tự do chính trị, dân chủ và nhân quyền.

Trả giá nhân quyền?

Human Rights Watch mô tả thành tích nhân quyền của Việt Nam là “yếu kém”, và sự hạn chế về tự do ngôn luận là “nghiêm trọng”, theo Tổ chức Ân xá Quốc tế. Còn Freedom House thì đơn giản liệt kê Việt Nam vào vị trí của một quốc gia “không có tự do”.

Trong khi đó, từ hành pháp đến lập pháp Hoa Kỳ luôn sẵn sàng lên tiếng và đã lên tiếng nhiều lần từ nhiều năm qua để bày tỏ “quan ngại sâu sắc”, thậm chí “vô cùng quan ngại” về thành tích nhân quyền “tồi tệ” của chính phủ Việt Nam.

Trong lá thư đề ngày 10/12, 47 Hạ Nghị sỹ của lưỡng đảng Hoa Kỳ đã hợp nhất cùng bày tỏ “quan ngại sâu sắc về việc tăng cường quan hệ với chính phủ (Việt Nam)” và đặc biệt lo ngại về hợp tác thương mại ngày càng tăng giữa hai nước, trong đó có các cuộc đàm phán TPP. “Việc tăng thêm bất cứ mối quan hệ kinh tế nào, đặc biệt là thỏa thuận thương mại, cần phải tùy thuộc vào điều kiện nhân quyền tại Việt Nam,” lá thư viết.

Trước đó, hôm 5/6, ông Joseph Yun, Quyền Trợ lý Ngoại trưởng, Vụ Đông Á – Thái Bình Dương Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện, Tiểu ban Châu Á – Thái Bình Dương đã trả lời trước Quốc hội Hoa Kỳ như sau: “Chúng tôi đã nhấn mạnh với các nhà lãnh đạo Việt Nam rằng nhân dân Mỹ sẽ không ủng hộ việc tăng cường mạnh mẽ quan hệ song phương nếu không có tiến bộ rõ rệt về nhân quyền.”

Và hôm 10/12, nhân Ngày Quốc tế Nhân quyền, chính ngài Đại sứ David Shear cũng ra thông cáo nói “Hoa Kỳ và Việt Nam đã tái khẳng định cam kết của hai nước về ủng hộ Tuyên ngôn Nhân quyền trong Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam được Tổng thống Obama và Chủ tịch Trương Tấn Sang công bố hồi tháng Bảy”. Một lần nữa, chính phủ Mỹ kêu gọi chính phủ Việt Nam “trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm, cho phép mọi người Việt Nam được bày tỏ ý kiến của bản thân, và bảo vệ tự do tôn giáo trên toàn quốc”. “Hoa Kỳ ủng hộ một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập, đồng thời tôn trọng nhân quyền và pháp quyền,” Đại sứ David Shear cho biết.

Vậy thì cái gì vẫn đẩy Washington “tiếp tục ve vãn” Hà Nội? Có phải Hoa Kỳ đang xem mối quan hệ với Hà Nội là cần thiết, quan trọng đến độ phải trả giá về nhân quyền? Liệu có phải sự trỗi dậy mạnh mẽ và đầy hiếu chiến của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương đã gia tăng áp lực buộc Washington phải nhượng bộ Hà Nội? Tuy nhiên, việc theo đuổi một mối quan hệ nguy hiểm như vậy, đơn giản chỉ làm suy yếu mọi nỗ lực của Hoa Kỳ trong khu vực!

Ảnh hưởng của Mỹ?


Cuối tháng 10/2013, Trung Quốc cho thành lập một “Khu Xác định phòng không” (ADIZ) ở Biển Hoa Đông bao gồm các quần đảo “Điếu Ngư” đang tranh chấp với Nhật Bản, cũng như một phần khu vực có liên quan đến Hàn Quốc. Sau phản ứng dữ dội của Nhật, Không quân Nam Hàn và đặc biệt Không lực Mỹ đã điều động hai oanh tạc cơ B-52 bay qua khu vực trên mà không thông báo cho Trung Quốc biết theo yêu cầu, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa lập tức lên tiếng hôm 9/12 kêu gọi các bên liên quan “bình tĩnh xuống thang”, vì sợ rằng tranh chấp sẽ tràn vào Biển Đông.

Không còn nghi ngờ gì nữa, sớm muộn gì Trung Quốc cũng sẽ thiết lập một ADIZ tương tự trên Biển Đông. Đông thái của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông chỉ là “Dương Đông, Kích Tây” nhưng đồng thời cũng để thăm dò phản ứng của Hoa Kỳ trước khi ra tay hành động.

Biển Đông rồi sẽ dậy sóng, vấn đề chỉ là thời gian. Và chẳng có gì ngạc nhiên, khi hai quốc gia phản đối Trung Quốc mạnh nhất ở Biển Đông lại là Philippines, một đồng minh lâu đời của Mỹ, và Việt Nam - hai nước mà Ngoại trưởng Kerry sẽ đến thăm trong những ngày tới “để thảo luận về một loạt các vấn đề song phương và trong khu vực.”

Mặc dù phản đối mạnh mẽ nhưng cả Philippines lẫn Việt Nam đều không phải là đối thủ của Trung Quốc như Nhật Bản và Hàn Quốc. Khả năng “đáp trả quân sự” của Philippines và Việt Nam khá khiêm tốn. Tuy nhiên, trong khi Philippines đang có một Hiệp ước quốc phòng với Mỹ, Việt Nam chỉ đơn thuần là không!

Có lẽ Mỹ đã nhìn thấy ở Việt Nam một cơ hội của một quốc gia có nhu cầu liên minh?

Bí ẩn không phải là tại sao Việt Nam cần Mỹ mà là tại sao Mỹ vẫn chưa thực hiện đòn bẩy trong việc hướng Việt Nam tới cải cách dân chủ và tự do hóa kinh tế. Qua bản Hiến pháp 2013 mà mọi hy vọng cải cách chính trị và kinh tế của Việt Nam đã tan theo mây khói, người ta có thể thấy rằng Hà Nội đã làm hoàn toàn điều ngược lại, so với mong muốn và lợi ích của Washington.

Tuy nhiên, có thể đối với một số lãnh đạo Mỹ, đó là công việc nội bộ của Việt Nam. Nhưng với cách nhìn đó, rõ ràng là Washington đã thiếu một tầm nhìn chiến lược lâu dài về Việt Nam trong chính sách đối ngoại của mình. Trong khi Việt Nam có thể là điểm son lý tưởng trong khu vực Đông Nam Á có khả năng hỗ trợ hữu hiệu Hoa Kỳ trong chiến lược “xoay trục” đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ đã tỏ ra là mình không có đồng minh hay chí hữu ở Việt Nam, bằng chứng là Washington không có khả năng gây ảnh hưởng thực tế tại Hà Nội.

Trong một cuộc khảo sát của Pew Research năm 2002 cho thấy 71% dân chúng Việt Nam có cảm tình với Hoa Kỳ, và 76% có thiện cảm với người Mỹ. Hơn một thập niên đã qua, con số này có thể còn gia tăng và điều này có thể thấy được qua những quan hệ giao lưu giữa nhân dân hai nước. Thực tế là Hoa Kỳ đã có đồng minh ở Việt Nam từ lâu và đó là chính nhân dân Việt Nam chứ không phải lãnh đạo Cộng sản Hà Nội.

Nếu Hoa Kỳ hy vọng mở rộng ảnh hưởng lâu dài tại Việt Nam, trước tiên Washington cần hiểu rằng các nhà lãnh đạo tại Hà Nội không phải là đại diện của ý chí và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam. Bất luận “chuyển đổi mạnh mẽ” nào đã đạt được giữa hai chính phủ cho đến nay, nếu Hoa Kỳ không có ảnh hưởng thực sự tại Hà Nội, đơn giản Mỹ sẽ không thể trông cậy vào Việt Nam để hỗ trợ cho chiến lược “xoay trục” của mình.

Nếu Hoa Kỳ dùng Hà Nội như một quân bài, Hoa Kỳ tất sẽ thất bại. Vì khi sợ mất một đối tác chiến lược ở châu Á - Thái Bình Dương, Washington đã vô tình cho phép Hà Nội quyền tự tung, tự tác, ngay cả đi ngược lại với những giá trị cốt lõi và quyền lợi trọng yếu của Hoa Kỳ.

Cho nên tốt nhất là Hoa Kỳ nên đồng hành với nhân dân Việt Nam trên bước đường mưu tìm tự do, dân chủ và phồn vinh. Nhân dân Việt Nam thường được cho là nhân hậu, cần cù, nhẫn nại, thông minh và sáng tạo. Hãy tặng họ tự do, họ sẽ làm nên những điều thật vô cùng kỳ diệu.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.