Có khoảng 3,5 triệu người Hồi giáo sống tại Mỹ, khoảng một phần ba là người Mỹ gốc châu Phi dù đa số người Mỹ theo Hồi giáo là những di dân thuộc các nước châu Á, châu Phi, Trung Đông và thường có khuynh hướng bảo thủ.
Vì nhiều di dân Hồi giáo xuất thân từ các nước ít có bầu cử dân chủ và mức độ giao tiếp dân sự thấp nên họ không đi bầu đông đảo. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi vào năm 2000 khi người Mỹ Hồi giáo, được nhiều tổ chức lợi ích khuyến khích, đã đi bầu để ủng hộ ông George W. Bush, ứng cử viên của đảng Cộng hòa.
Ông Suhail Khan, một người Mỹ Hồi giáo được nhiều người biết tiếng, viết trên tạp chí Chính sách Ngoại giao rằng “Người Mỹ Hồi giáo phần lớn là những người bảo thủ về mặt xã hội và kinh tế” và do đó khuynh hướng tự nhiên của họ là theo đảng Cộng hòa.
Nhiều người Mỹ Hồi giáo chia sẻ những giá trị bảo thủ của đảng Cộng hòa như ủng hộ gia đình mạnh mẽ và hôn nhân truyền thống, chống phá thai. Ông Khan lưu ý một phần tư những người Mỹ Hồi giáo là chủ nhân các doanh nghiệp nhỏ, ủng hộ chính sách thuế suất thấp của đảng Cộng hòa.
Vào năm 2004, hơn 90% cử tri Hồi giáo tại Mỹ bỏ phiếu cho ứng cử viên đảng Dân chủ John Kerry, trong khi vào năm 2008 và 2012, cử tri Hồi giáo bỏ phiếu ủng hộ ông Barack Obama, một ứng cử viên Dân chủ lên làm tổng thống.
Tại sao nhiều người Hồi giáo rời bỏ đảng Cộng hòa sau cuộc bầu cử năm 2000?
Trong khi ông Bush tìm cách trấn an người Hồi giáo sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 rằng Hoa Kỳ không giao chiến với Hồi giáo, nhưng những chính sách và những lời lẽ của đảng Cộng hòa đã củng cố nhận thức của nhiều người Hồi giáo là đảng Cộng hòa bài Hồi giáo.
Ông Robert McCaw thuộc Hội đồng quan hệ Hoa Kỳ-Hồi giáo, một nhóm hoạt động tại Washington, cho biết:
“Thật đáng buồn là Đảng Cộng hòa trong vòng 15 năm qua đã trở thành một trung tâm chính trị chống Hồi giáo, đưa ra những đề nghị chống Hồi giáo hay những luật lệ chống người nước ngoài tại ít nhất 10 cơ quan lập pháp tiểu bang. Việc này đã thực sự đẩy người Hồi giáo vào thế chống lại đảng Cộng hòa.”
Những người khác cho rằng lý do mang tính thuyết phục hơn có thể nằm ở cách những di dân tới Mỹ phát triển lòng trung thành chính trị qua thời gian.
Giáo sư Nghiên cứu Hồi giáo của Trường đại học Georgetown, John Esposito, tác giả cuốn ‘Tương lai Hồi giáo’ nói:
“Một trong những xu hướng, theo lịch sử, thường là các nhóm sắc tộc khi mới tới đây, chẳng hạn như người Mỹ gốc Ý, thường có khuynh hướng bỏ phiếu cho đảng Dân chủ, có khuynh hướng thiên về nghiệp đoàn…”
Với thế hệ thứ hai và thứ ba người Hồi giáo đến tuổi đi bầu tại Mỹ, các cuộc thăm dò cho thấy thái độ xã hội của người Hồi giáo đã ôn hòa trong những năm gần đây. Nhiều người có quan điểm cấp tiến đối nghịch với quan điểm truyền thống của đảng Cộng hòa.
Một cuộc thăm dò vào năm 2011 của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy người Mỹ Hồi giáo có “khuynh hướng ngày càng chấp nhận đồng tính luyến ái” và 68% thích có một chính phủ lớn hơn, cung cấp nhiều dịch vụ hơn.
Ông McCaw đề cập đến một cuộc thăm dò khác cho thấy 55% những người Mỹ Hồi giáo tự xem mình thuộc thành phần ôn hòa trong khi 26% nhận mình là cấp tiến:
“Theo truyền thống, một số di dân từ Trung Đông hay Nam Á thường có khuynh hướng bảo thủ về phương diện xã hội, và có điểm chung ở đảng Cộng hòa, nhưng khi mọi người lớn mạnh và phát triển tại Mỹ, chắc chắn họ sẽ thay đổi quan điểm và khuynh hướng theo thời gian và quan trọng hơn cả là con cháu của họ lớn lên ở đây. Chúng có thể bỏ phiếu khác với cha mẹ trước đây.”
Hội đồng quan hệ Hoa Kỳ-Hồi giáo và những thành viên khác trong Hội đồng các Tổ chức Hồi giáo ở Mỹ đã phát động “Chiến dịch Một nước Mỹ” với hy vọng ghi danh hơn 1 triệu cử tri mới, tăng gần 300.000 cử tri kể từ cuộc bầu cử năm 2012.