Kinh nghiệm sống qua chiến tranh và xây dựng lại cuộc sống trong tư cách người tị nạn là những nguyên nhân chính khiến nhiều người gốc Việt chọn ghi danh là cử tri theo Đảng Cộng hòa ở Mỹ, một thực tế đã được phản ánh qua nhiều cuộc khảo sát cử tri và được khẳng định lại trong một cuộc khảo sát cử tri gốc Á gần đây.
Kết quả của cuộc khảo sát này, công bố hôm 25 tháng 5, cho thấy khoảng phân nửa cử tri người Mỹ gốc Việt có ghi danh theo Đảng Cộng hòa hoặc nghiêng về phía Đảng Cộng hòa - tỉ lệ cao nhất trong số năm nhóm sắc dân gốc Á đông nhất ở Mỹ.
Nhìn chung, khoảng sáu trên mười cử tri người Mỹ gốc Á đã đăng ký (62%) theo Đảng Dân chủ hoặc nghiêng về Đảng Dân chủ, và 34% theo Đảng Cộng hòa hoặc nghiêng về Đảng Cộng hòa, theo một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew đối với người trưởng thành gốc Á được thực hiện từ tháng 7 năm 2022 đến tháng 1 năm 2023.
Cụ thể, khoảng hai phần ba số cử tri có đăng kí ở Mỹ mà là người Philippines (68%), người Ấn Độ (68%) hoặc người Hàn Quốc (67%) nhận họ theo Đảng Dân chủ hoặc nghiêng về Đảng Dân chủ. Cử tri Mỹ gốc Hoa cũng đa số theo Đảng Dân chủ (56%), trong khi cử tri Mỹ gốc Việt nghiêng về Đảng Cộng hòa 51%, và 42% theo Đảng Dân chủ.
VOA nói chuyện với ba cử tri người Việt theo Đảng Cộng hòa hoặc ủng hộ những chủ trương của Đảng Cộng hòa trong nhiều năm qua. Tất cả họ đều dẫn ra cuộc Chiến tranh Việt Nam hay kinh nghiệm sống dưới chế độ cộng sản ở Việt Nam để giải thích vì sao Đảng Cộng hòa là lựa chọn của họ khi họ đăng ký tư cách cử tri.
Đối với một số người từng là cựu sĩ quan quân đội hoặc công dân của nước Việt Nam Cộng Hòa, sự sụp đổ của đất nước họ vào năm 1975 dưới cuộc tấn công của quân cộng sản Bắc Việt bị xem phần nào là kết quả của sự chống đối của phe Dân chủ trong Quốc hội Mỹ đối với việc cung cấp viện trợ quân sự cho miền Nam Việt Nam. Hệ quả của sự sụp đổ đó là nhiều người chịu cảnh tù đày hoặc cuộc sống cơ cực dưới chế độ mới.
Ông Nguyễn Tường Tuấn, một cựu trung úy bộ binh Việt Nam Cộng Hòa, đến Mỹ vào năm 1984 trong tư cách người tị nạn. Năm năm sau, ông nhập quốc tịch Mỹ và quyết định ghi danh theo Đảng Cộng hòa. Kinh nghiệm cá nhân của ông đóng một vai trò then chốt trong quyết định này.
“Tôi chiến đấu trong bảy, tám năm, bị thương ba lần, ở tù trốn trại thành công, tổ chức vượt biên hai lần đều thất bại, mội lần thất bại đều vào tù. Tôi đã trải qua ba đợt trốn tù rồi. Khi mà trốn tù ra đến nơi thì mình không có cơ hội nào khác ngoài việc ra đi,” cư dân 73 tuổi hiện đang cư ngụ ở bang Illinois cho biết.
“Người Việt mình thì sau năm 1975 thì đau thương vô cùng, đấy là lý do.”
Bà Mã Tiểu Linh ghi danh theo Đảng Cộng Hòa từ năm 1996. Bà nói quyết định của bà xuất phát từ những nhận thức từ thân phụ của bà và từ những người xung quanh ông, những cựu chiến binh và thuyền nhân rời bỏ đất nước vì không thể sống dưới chế độ cộng sản.
Khi bà trưởng thành trên đất Mỹ trong tư cách một di dân, bà cũng học được những bài học từ ông về việc sinh tồn nhờ tự lực cánh sinh thay vì dựa dẫm vào những phúc lợi của nhà nước cấp cho họ, những giá trị mà bà nói Đảng Cộng hòa cổ xúy.
“Từ đó mình đã có khái niệm mình phải tự lập, mình phải tự làm chứ không có việc dựa vào người khác, rằng mình cứ làm sơ sơ cũng được, mình xin tiền trợ cấp của chính phủ, mình sống dựa vào chính phủ mà mình không tự vươn lên. Như vậy mình mới có động lực thúc đẩy mình phải cố gắng hơn để mình có được những cái mình xứng đáng được có,” cư dân ở bang Virginia chia sẻ.
“Và từ đó đến bây giờ suy nghĩ của mình không hề thay đổi.”
Ông Vũ Hoàng Hải, một cựu tù nhân lương tâm từ Việt Nam hiện đang định cư tại bang California, cho biết ông ghi danh làm cử tri Đảng Cộng hòa cũng cùng những lý do như trên. Ông đến Mỹ tị nạn chính trị vào năm 2010 và nhập quốc tịch vào năm 2015. Lá phiếu đầu tiên của ông dành cho các ứng cử viên Đảng Cộng hòa được bỏ trong các cuộc bầu cử năm 2016.
“Qua đây rồi thì tôi cũng theo học đại học và có công ăn việc làm đàng hoàng, nhưng chúng tôi thấy rằng Đảng Dân chủ có những cái chưa được như vấn đề biên giới, vấn đề phá thai, vì tôi là người Công giáo, rồi vấn đề ưu tiên cho những người di dân bất hợp pháp quá nhiều đi. Chính vì lẽ đó là tôi không thích Đảng Dân chủ và thích Đảng Cộng hòa,” cư dân ở bang California này giải thích.
Theo cuộc khảo sát của Pew, các cử tri gốc Á sinh ra ở Mỹ có nhiều khả năng nghiêng về Đảng Dân chủ hơn những người nhập cư. Khoảng ba phần tư những người sinh ra ở Mỹ theo Đảng Dân chủ hoặc nghiêng về Đảng Dân chủ (73%), so với 56% cử tri gốc Á sinh ra ở nước ngoài. Một phần tư người gốc Á sinh ra ở Mỹ theo Đảng Cộng hòa hoặc nghiêng về đảng Cộng hòa, so với 39% những người sinh ra ở nước ngoài.
Người Mỹ gốc Á đại diện cho một phân khúc tương đối nhỏ nhưng đang phát triển nhanh chóng trong số cử tri ở Mỹ, Pew cho biết.
Vào năm 2021, có 13,4 triệu người Mỹ gốc Á đủ điều kiện bỏ phiếu, chiếm 5,6% tổng số cử tri đủ điều kiện, theo phân tích của Pew về Khảo sát cộng đồng người Mỹ năm 2021. Trong số đó, 2,8 triệu cử tri người Mỹ gốc Hoa đủ điều kiện bỏ phiếu ở Mỹ chiếm dân số lớn nhất trong số các nhóm cử tri gốc Á. Tiếp theo là người Philippines (2,6 triệu), người Ấn Độ (2,1 triệu), người Việt Nam (1,3 triệu) và người Mỹ gốc Hàn (1,1 triệu).