Trung Quốc ấn định cuối tháng 3 là thời hạn chót để các nước trở thành hội viên sáng lập của một ngân hàng đầu tư do Bắc Kinh dẫn đầu. Trong lúc sắp tới thời hạn chót, một số đồng minh của Mỹ ở Châu Âu và Á Châu đã tham gia. Ngay cả Mỹ, là nước từng bày tỏ quan tâm về sự quản trị và các tiêu chuẩn của ngân hàng mới, cũng đang nói nhiều hơn về việc hợp tác. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Bill Ide của đài VOA gởi về bài tường thuật.
Cộng đồng quốc tế muốn Trung Quốc nắm giữ một vai trò lớn hơn trong các sự vụ toàn cầu, nhưng Hoa Kỳ đã tỏ ý nghi ngại khi Bắc Kinh loan báo hồi năm ngoái là họ chuẩn bị thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Á Châu (AIIB). Washington hối thúc các nước bàn thảo chi tiết về những tiêu chuẩn của ngân hàng mới liên quan tới vấn đề bảo vệ môi trường và xã hội trước khi tham gia ngân hàng này.
Tuy nhiên, khi Anh quốc quyết định tham gia vào đầu tháng này, những nước khác đã nối gót vì họ cho rằng cách tốt nhất để giải quyết những mối quan tâm đó là từ bên trong.
Nhà phân tích Á Châu Alejandro Reyes nói rằng phản ứng đó của Mỹ phát xuất từ lối suy nghĩ lỗi thời ở Washington.
Ông Reyes cho biết: "Không tham gia AIIB cũng giống như khi bạn đang ở sân chơi và tất cả những đứa trẻ khác đang chơi một trò chơi và bạn có mặt ở đó, bạn thật sự cần tham gia cuộc chơi, nhưng chỉ vì người ta không chơi banh của bạn nên bạn ngồi yên ở góc sân."
Ông Robert Kahn, một nhà nghiên cứu cấp cao của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết Hoa Kỳ quan tâm về việc AIIB có thể tìm cách thay thế những định chế như Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Á Châu, và điều đó làm cho Washington cảm thấy do dự.
Ông Kahn nói: "Trong một thế giới với tình hình chính trị tốt hơn Hoa Kỳ sẽ tham gia định chế này, nhưng bởi vì hoàn cảnh ở Quốc hội Mỹ, Hoa Kỳ không ở vào một vị thế mà họ có thể tham gia định chế này và được Quốc hội chấp thuận. Thậm chí họ không thể thực hiện những cải cách cơ bản ở Quỹ Tiền tệ Quốc tế để làm cho những định chế hiện có trở nên hấp dẫn hơn đối với các cường quốc đang lên."
Trung Quốc và các nước đang phát triển khác muốn có nhiều quyền hơn trong việc quản trị kinh tế toàn cầu. Nhưng đề nghị cải cách về quyền biểu quyết tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhằm đạt mục tiêu đó đã gặp bế tắc ở Quốc hội Mỹ từ năm 2010 tới nay. Sự trễ nãi đó làm cho Trung Quốc và các nước khác tìm kiếm một nơi khác.
Á Châu có nhu cầu vô cùng to lớn về cơ sở hạ tầng. Ngân hàng Phát triển Á Châu, do Hoa Kỳ và Nhật Bản lãnh đạo, ước tính khoảng 800 tỉ đô la mỗi năm, và vì ngân hàng này chỉ thỏa mãn được một phần của những nhu cầu đó, nên AIIB có thể giúp ích rất nhiều.
Các giới chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Á Châu cho biết họ đã bắt đầu tìm kiếm những cách thức để hợp tác với AIIB.
Các giới chức Mỹ nói rằng họ hoan nghênh những định chế mới nào tuân theo các tiêu chuẩn cao mà cộng đồng quốc tế đã lập ra. Washington cũng khuyến khích AIIB làm việc với Ngân hàng thế giới và Ngân hàng Phát triển Á Châu để bảo đảm cho sự tuân hành các tiêu chuẩn cao.
Trung Quốc đã tìm cách giải tỏa những mối quan tâm. Họ nói rằng ngân hàng mới sẽ tôn trọng các tiêu chuẩn cao. Nhưng hầu hết những chi tiết về việc vận hành vẫn chưa rõ ràng cho tới khi các hội viên sáng lập định đoạt những vấn đề này trong những tháng sắp tới.
Theo Tân Hoa Xã, Trung Quốc đã nói rõ là không giống như quyền phủ quyết các đề nghị ở Ngân hàng Thế giới mà Mỹ đang có, không hội viên nào của AIIB có được quyền hạn như vậy.
Ông Tom Wright, giám đốc Dự án Trật tự Quốc tế và Chiến lược của Viện Brookings ở Washington, cho rằng mọi người nên chờ xem Trung Quốc sẽ hành sử vai trò lãnh đạo mới của họ như thế nào và phải chăng họ sẽ làm việc với các định chế hiện có hay là sẽ đi theo một chiều hướng khác.
Ông Wright nói: "Đây không phải là phần cuối. Thật ra đây chỉ là phần mở đầu, và đặc biệt là phần mở đầu của một chương mới đối với Trung Quốc. Họ lập ra ngân hàng này. Họ nói rằng họ sẽ nắm giữ vai trò lãnh đạo, nhưng có những câu hỏi rất lớn về việc họ sẽ hành xử như thế nào."
Bắc Kinh cho biết AIIB định bắt đầu hoạt động với số vốn tối thiểu là 100 tỉ đô la, phần lớn là do Trung Quốc cung cấp.