Mỹ chuẩn bị thêm biện pháp chế tài Nga về vấn đề Ukraina

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry trong cuộc phỏng vấn dành cho đài VOA, 20/3/14

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry tuyên bố Hoa Kỳ sẵn sàng áp đặt thêm các biện pháp chế tài Nga vì việc sáp nhập bán đảo Crinea. Lực lượng Nga thực ra đã chiếm quyền kiểm soát khu vực sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ tiếp theo nhiều tháng biểu tình và bạo động tại thủ đô Kyiv của Ukraina. Thông tín viên Amanda Scott tường thuật trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho ban tiếng Ba Tư của đài VOA ông Kerry tuyên bố rằng các hành động của Nga có nguy cơ gây bất ổn cho Ukraina.

Các nhận định của Ngoại trưởng Kerry được đưa ra hôm thứ Năm, cùng ngày Tổng thống Hoa Kỳ mở rộng các biện pháp chế tài kinh tế nhắm vào 20 nhà lập pháp và giới chức cấp cao của Nga.

Ngoại trưởng Kerry cho biết Hoa Kỳ sẽ không cho phép các hành động của một nước phá hủy điều ông gọi là “trật tự hậu Thế chiến 2” và “cơ cấu quốc tế”. Ông cũng nói thêm rằng quyết định cách thức tiến tới là tuỳ thuộc vào Tổng thống Nga Vladimir Putin:

“Chúng tôi sẵn sàng đáp lại một cách rất kiên cường bằng cách áp dụng thêm những biện pháp chế tài nghiêm khắc nhắm vào các khu vực nếu như họ tiếp tục tham gia vào các hoạt động khiêu khích và bất hợp pháp.”

Ông Kerry nói ông không tin rằng căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Nga về vấn đề Ukraina sẽ ảnh hưởng đến công tác của họ về những vấn đề quốc tế khác như Afghanistan, Syria hay chương trình hạt nhân Iran. Ông nói:

“Tôi nghĩ các cuộc hội đàm quá quan trọng đối với thế giới, đối với tương lai của người dân Iran, đối với tương lai của mối quan hệ của chúng ta. Tôi nghĩ Nga có mối quan tâm sâu xa trong việc muốn giải quyết vấn đề, các thắc mắc về chương trình – đó là lý do vì sao Nga là một phần trong nỗ lực của nhóm P5+1, nơi mọi người đều thống nhất và đồng ý rằng Iran, giống như mọi nước khác, cần phải chứng tỏ mục đích của chương trình, và theo tôi Nga rất có cam kết với việc đó.”

Các quốc gia Tây phương lên án Iran là sử dụng chương trình tinh chế uranium để chế tạo vũ khí hạt nhân, và Tehran luôn phủ nhận cáo buộc này. Ngoại trưởng Kerry tỏ ý hy vọng rằng các vấn đề có liên quan đến Iran, đến Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế có thể được giải quyết mà không có sự đối đầu. Ông cho biết:

“Chúng tôi không mong muốn gì hơn là nhìn thấy các vấn đề đang ngăn trở khả năng tiến tới của chúng ta được giải quyết – sẽ thật là tuyệt vời cho tất cả mọi người – và những thách thức là các nhà lãnh đạo phải cố gắng tìm ra một con đường để đi tới. Tổng thống Obama có cam kết với đường lối ngoại giao và đối thoại trong bước đầu, nhưng quý vị biết mọi sự thực ra là tùy thuộc vào chế độ.”

Ông Kerry nói một thỏa thuận có thể đạt được, và Iran có quyền có một chương trình hạt nhân hòa bình, nhưng Iran phải hội đủ các tiêu chuẩn quốc tế về trách nhiệm, về tính minh bạch và tự chế hiện hữu trong các chương trình khác trên thế giới. Ông nói:

“Iran biết rằng cơ bản tuyệt đối là sẽ không có, không thể có một vũ khí hạt nhân. Đó là điều cơ bản. Và nếu đó là một chương trình hòa bình, thì ắt hẳn phải rất dễ dàng để chứng tỏ cho mọi người thấy là đó là một chương trình hòa bình; điều ấy không khó khăn gì nếu ta nghiêm túc.”

Trong thông điệp dịp lễ mừng năm mới Ba Tư, Tổng thống Obama tuyên bố đạt được một thỏa thuận chung cuộc cho vấn đề hạt nhân sẽ khó khăn, nhưng ông quyết tâm tìm ra một giải pháp thực tiễn.

Hôm thứ tư, các nhà thương thuyết của Iran và 6 cường quốc thế giới đã hoãn điều họ gọi là các cuộc đàm phán “có thực chất và hữu ích” về chương trình hạt nhân của Iran. Các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục vào tháng tới ở Vienna.