Mỹ và các nước phương Tây đã chỉ trích "hồ sơ nhân quyền nhiều vấn đề đang tiếp diễn của Trung Quốc," trong một tuyên bố chung chưa từng có công bố hôm thứ Năm trong một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneva.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói với VOA tuyên bố này là "hành động tập thể đầu tiên được đưa ra liên quan đến Trung Quốc tại Hội đồng Nhân quyền kể từ khi nó được thành lập vào năm 2007."
Nhà ngoại giao Trung Quốc Phó Thông mạnh mẽ bác bỏ những chỉ trích do Mỹ dẫn đầu. Ông quay sang chỉ trích Mỹ về những tội ác trong đó có "cưỡng hiếp và sát hại" thường dân .
Ông Phó nói với Hội đồng rằng "Mỹ nổi tai tiếng vì tình trạng ngược đãi tù nhân tại nhà tù Guantanamo, bạo lực súng ống tràn lan, kì thị chủng tộc là căn bệnh trầm kha."
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner trong cuộc họp báo hàng ngày hôm thứ Năm nói rằng bất đồng về vấn đề nhân quyền giữa hai nước sẽ không ảnh hưởng đến sự hợp tác toàn diện.
"Chúng tôi không hề hoàn hảo," ông Toner nói, "[nhân quyền] vẫn là một phần quan trọng trong chủ trương chính sách đối ngoại của chúng tôi, và là điều chúng tôi đang tiếp tục theo đuổi, không chỉ với Trung Quốc mà còn với một số nước khác."
Tuyên bố chung gọi những vụ mất tích không rõ nguyên nhân, và những vụ cưỡng bức công dân Trung Quốc và công dân nước ngoài ở ngoài đại lục trở về Trung Quốc hồi gần đây, là những hành động ngoài lãnh thổ "không thể chấp nhận được," cũng như "lệch khỏi" kỳ vọng của cộng đồng quốc tế và là "một thách thức đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ."
Tuyên bố chung cũng bày tỏ lo ngại về "số lượng gia tăng những người nhận tội được chiếu trên truyền thông nhà nước" trước khi có bất kỳ bản cáo trạng hoặc tiến trình pháp lý nào.
Giám đốc Trung Quốc của tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Sophie Richardson, hoan nghênh tuyên bố chung này, nói rằng phải cần tới một lập trường chưa từng có và can đảm để lên án sự đàn áp bất tận của Trung Quốc nhắm vào nhân quyền.
Tuyên bố chung được chính thức ủng hộ bới các nước Mỹ, Ireland, Anh, Úc, Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Na Uy, Iceland, Đan Mạch, Thụy Điển và Phần Lan.