Mỹ cảnh cáo phi đạn mới của Nga  

Tên lửa xuyên lục địa Sarmat của Nga rời bệ phóng.

Đặc sứ Mỹ tại NATO ngày 2/10 khuyến cáo Nga nên dừng phát triển các phi đạn mới có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và cảnh báo rằng Hoa Kỳ có thể “tiêu diệt” các hệ thống này nếu chúng đi vào hoạt động.

NATO lo ngại rằng hệ thống tên lửa 9M729 của Nga vi phạm Hiệp ước về Vũ khí hạt nhân Tầm trung 1987, hay còn gọi là INF. Hiệp ước ra đời trong thời kì Chiến tranh lạnh này cấm phát triển một dòng tên lửa hành trình phóng đi từ mặt đất có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km, và NATO cho rằng hệ thống tên lửa 9M729 của Nga thuộc danh mục cấm.

“Đã đến lúc phía Nga ngồi vào bàn đàm phán và chấm dứt hành vi vi phạm hiệp ước,” Đại sứ Hoa Kỳ Kay Bailey Hutchison nói với các phóng viên tại Brussels, trước thềm cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và những người đồng cấp phía NATO.

Bà Hutchison cho biết thêm rằng nếu hệ thống của Nga “có thể được triển khai”, thì Hoa Kỳ “sẽ xét tới khả năng tiêu diệt những tên lửa có thể vươn tới các quốc gia Châu Âu, cũng như Hoa Kỳ.”

Washington đã chia sẻ các bằng chứng tình báo với 28 đồng minh trong khối NATO rằng Nga đang phát triển một loại tên lửa hành trình bắn từ mặt đất và rằng hệ thống đó có thể giúp Nga có khả năng mở cuộc tấn công hạt nhân vào Châu Âu mà gần như không thể bị phát hiện.

Nga trước đó tuyên bố hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đã vi phạm hiệp ước INF. Trong quá khứ, chính quyền của Tổng thống Obama đã cố gắng thuyết phục Moscow tôn trọng hiệp ước INF, tuy nhiên có vẻ như không thành công.

Bộ trưởng Mattis nói hôm 2/10 rằng ông dự kiến sẽ đưa vấn đề này ra thảo luận với các nước NATO. Ông cho biết sau bốn năm nỗ lực ngoại giao, Hoa Kỳ vẫn đang tuân thủ hiệp ước trong khi Nga thì không. Ông nói thêm rằng đã xuất hiện nhiều lo ngại từ cả Bộ Ngoại Giao và Quốc hội Hoa Kỳ.

“Tôi sẽ trình bày tình hình với họ, tôi muốn lắng nghe lời khuyên từ phía họ ngay khi trở về Washington D.C,” ông Mattis phát biểu trong một cuộc họp báo tại Paris.

Bà Hutchison cho biết Hoa Kỳ không muốn vi phạm hiệp ước, tuy nhiên phía Nga có thể buộc Washington phải ra tay.

“Sẽ tới một thời điểm Hoa Kỳ quyết định rằng chúng tôi sẽ phải tiến tới một giai đoạn phát triển mà hiệp ước hiện nay không cho phép,” bà nói.

Washington muốn các đồng minh NATO của mình gia tăng áp lực ngoại giao lên phía Moscow, trong khi Tổng thư kí NATO Jens Stoltenberg cho biết tất cả các quốc gia đồng minh đều bày tỏ quan ngại về kế hoạch phát triển tên lửa của Nga.

“Phía Nga hiện chưa đưa ra bất kì câu trả lời khả tín nào về phi đạn mới này,” ông Stoltenberg cho hay, đồng thời nói thêm rằng hiệp ước INF là một “yếu tố quan trọng” của an ninh xuyên Đại Tây Dương, vốn “đang bị đe dọa bởi những động thái từ Nga.”