Các giới chức cao cấp Hoa Kỳ hoan nghênh một thỏa thuận ngưng bắn mới nhằm chấm dứt chiến tranh tại miền đông Ukraine, và cảnh báo Nga chớ có những bước nào để phá hoại thỏa thuận này.
Các giới chức hàng đầu cho biết vào lúc này, Hoa Kỳ không áp đặt thêm những chế tài đối với Nga hay gia tăng hỗ trợ an ninh cho Ukraine.
Ngay cả khi một thỏa thuận ngưng bắn đã đạt được tại Minsk ngày hôm qua giữa các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Nga và Ukraine, các giới chức hàng đầu của chính quyền Mỹ nói họ nhận được những tin tức là những thiết bị quân sự hạng nặng vẫn từ biên giới Nga đổ vào Ukraine.
Một giới chức cao cấp Mỹ cảnh báo Nga “với lời lẽ mạnh nhất” chống lại những hành động như vậy vì việc này vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận mới.
Thỏa thuận kêu gọi ngưng bắn bắt đầu vào lúc 12 giờ 1 phút sáng ngày Chủ Nhật bằng việc hai bên rút các loại vũ khí nặng, Ukraine rút khỏi tuyến hiện tại, và những phần tử đòi ly khai được Nga hậu thuẫn rút khỏi đường ranh đã được đồng ý trong thỏa thuận tại Minsk vào tháng 9 năm ngoái.
Sau đó, các giới chức chính quyền Obama nói một loạt các biện pháp phức tạp sẽ được tiến hành theo thời gian để khôi phục hoàn toàn hòa bình và chủ quyền của Ukraine.
Tôn trọng thỏa thuận
Ngoại trưởng John Kerry nói Hoa Kỳ “sẽ phán xét về cam kết của Nga và của những phần tử đòi ly khai bằng những hành động của họ, không phải bằng lời nói,” một điểm chính được phát ngôn viên Jen Psaki phản ánh lại.
Bà nói: “Chúng ta sẽ thấy sự thật. Và chúng ta sẽ có cái nhìn rõ ràng về những khả năng tại đây. Chúng ta đã chứng kiến Nga nói một đường làm một nẻo trong vòng vài tháng qua. Thử thách đầu tiên là liệu thỏa thuận này có đặt nền tảng cho một giải pháp toàn diện hơn trong việc tiến tới ngưng bắn và chúng ta sẽ biết rõ hơn vào ngày Chủ Nhật tới.”
Ngoại trưởng John Kerry nói thêm là nếu thỏa thuận mới nhất và thỏa thuận Minsk vào tháng 9 năm ngoái được thực thi đầy đủ, Hoa Kỳ sẽ xét việc rút lại các chế tài đối với Nga.
Một viên chức cao cấp nêu ra rằng Hoa Kỳ sẽ đưa trở lại bàn đàm phán khả năng chế tài thêm nữa và hậu thuẫn cho Ukraine nếu thỏa thuận không được thực thi đầy đủ.
Một viên chức hàng đầu khác của Hoa Kỳ nói Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể có thêm nhiều sáng kiến để tôn trọng thỏa thuận hiện nay, vì nền kinh tế Nga suy sụp do giá dầu hạ, những biện pháp chế tài và sự cô lập về chính trị và kinh tế của Nga.
Nhưng trong tình hình leo thang xung đột tại miền đông Ukraine mấy tuần qua, việc quyết tâm chấm dứt các cuộc giao tranh còn lâu mới rõ ràng vào lúc hạn chót ngưng bắn gần kề.
Your browser doesn’t support HTML5