Mỹ cấm khai thác dầu ở Đại Tây Dương

Giàn khoan nước sâu Centenario ngoài khơi bờ biển Veracruz, Mexico ở vịnh Mexico.

Chính quyền Obama đã đảo ngược chính sách và quyết định cấm khoan dầu ngoài khơi bờ Đại Tây Dương của Mỹ.

Bộ trưởng Nội vụ Mỹ Sally Jewell hôm thứ Ba cho biết biết quyết định được đưa ra sau khi lắng nghe hàng ngàn người dân từ những làng đánh cá ở vùng đông bắc cho tới những khu du lịch bãi biển ở bang Florida cực nam, và ý kiến của Ngũ Giác Đài vì họ tiến hành những cuộc tập trận quân sự ở đây.

Bà Jewell nói quyết định này "bảo vệ Đại Tây Dương cho những thế hệ tương lai."

"Khi cân nhắc những xung đột lợi ích với quốc phòng, những hoạt động kinh tế như đánh cá và du lịch, và sự phản đối từ nhiều cộng đồng địa phương, việc xúc tiến với bất kỳ vụ mua bán hợp đồng sử dụng nào trong năm năm tới đơn giản là không hợp lý."

Tòa Bạch Ốc công bố một kế hoạch vào năm ngoái mà nếu thành hiện thực sẽ mở ra một vùng rộng lớn thuộc Bờ biển Đại Tây Dương, những địa điểm hơn 80km ngoài khơi các bang Virginia, North Carolina, South Carolina và Georgia, cho hoạt động khoan dầu đến trước năm 2021.

Những nhà vận động vì môi trường rất vui mừng trước việc chính quyền hủy bỏ kế hoạch của mình.

Ngành dầu khí thì không. Người đứng đầu Viện Dầu khí Mỹ nói rằng quyết định này "xoa dịu những người cực đoan" muốn chấm dứt hoạt động sản xuất dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên ở Mỹ.

Những hợp đồng khoan dầu khí sẽ được mua bán bắt đầu từ năm 2017 và bao gồm 10 khu vực ở vùng Vịnh Mexico và ba địa điểm ngoài khơi bang Alaska - nhưng không phải những khu vực thuộc các biển Beaufort và Chukchi và Vịnh Bristol của Alaska mà ông Obama đã tuyên bố không được phép sử dụng vì lý do môi trường.